Chỉ vì vài phút không tự chủ được bản thân, nhiều người đã đánh mất tương lai của mình vì lệ thuộc vào "nàng tiên nâu".
Nhiều người đã phải trả giá đắt khi trót vướng vào ma túy. Trong ảnh: Các học viên cai nghiện
tại Trung tâm Chữa bệnh giáo dục lao động xã hội tỉnh (Chí Linh)
Tự khép cánh cửa tương laiAnh Trần Trung D. (sinh năm 1979) vốn là giáo viên tại một trường học ở huyện Kim Thành. Năm 2008, anh bị đám bạn rủ rê hút thử ma túy. Nghĩ rằng hút một lần sẽ không thể nghiện nên anh D. thử, và không biết từ bao giờ, anh phải lệ thuộc vào nó. Những ngày đầu liều lượng thuốc không nhiều, với mức lương và trợ cấp của gia đình, anh D. vẫn có thể duy trì được thú vui hút xách của mình. Gần 1 năm sau, gia đình mới biết anh nghiện ma túy. Thay vì giúp anh cai nghiện thì vì sĩ diện, gia đình lại che giấu, trợ cấp tiền để anh tiếp tục sử dụng ma túy. Khi kinh tế không thể gánh đỡ, gia đình bắt đầu cắt nguồn trợ cấp và khuyên anh đi cai nghiện. Nhưng dính sâu vào "nàng tiên nâu", D. không thể từ bỏ. Để có tiền, D. nghĩ ra các khoản thu vô lý yêu cầu học sinh nộp, rồi tiêu cả tiền quỹ lớp… Khi nhà trường phát hiện ra sự việc, D. bị buộc thôi việc. Mất việc làm, bản thân vẫn là người nghiện ma túy, tương lai của D. trở nên xám xịt. Vợ anh cũng bỏ đi. Có lẽ nếu không vướng vào ma túy, anh D. sẽ vẫn là một thầy giáo miệt mài bên trang giáo án và có một gia đình hạnh phúc cùng vợ và đứa con kháu khỉnh.
Anh Nguyễn Văn Th. (sinh năm 1970, ở thị trấn Phú Thái, Kim Thành) cũng là nạn nhân của ma túy. Nhìn dáng người gầy gò, tiều tụy, nước da xanh tái, yếu ớt, ai cũng nghĩ anh Th. phải ngoài 50 tuổi. Chia sẻ về chuyện đời của mình, anh Th. cho biết, anh đã từng là một thợ mộc có tay nghề giỏi ở thị trấn Phú Thái. Từ chỗ làm chung xưởng với anh trai, đến năm 2000 có chút vốn, anh Th. mở xưởng mộc của riêng mình. Công việc đều đặn đem đến cho anh nguồn thu nhập cao. Trong vài lần đi chơi, anh Th. được bạn đưa cho gói bột màu trắng và nói hút sẽ rất “phê”. Vừa tò mò, vừa nghe bạn khích bác, anh Th. đã dùng thử. Cứ thế đều đặn anh Th. đã nghiện ma túy từ lúc nào không biết. Mải mê “chơi” ma túy anh Th. chẳng còn thiết tha gì tới công việc nên xưởng mộc cũng dần thưa vắng khách. Tiền không kiếm ra trong khi nhu cầu sử dụng ma túy ngày càng cao nên máy móc, gỗ nguyên liệu trong xưởng dần dần “đội nón” ra đi. Đến năm 2010, kinh tế gia đình đã quá suy kiệt, con cái cũng đã lớn, anh Th. quyết tâm đi cai nghiện tại Trung tâm Chữa bệnh giáo dục lao động xã hội tỉnh (Chí Linh). Sau hai năm thấy không còn biểu hiện vật vã, thèm thuốc, có thể lao động bình thường, anh Th. được về nhà với mong muốn làm lại cuộc đời. Khoảng 10 tháng sau đó, anh Th. tình cờ gặp những người bạn cũ và lại tái nghiện. Năm 2013, anh Th. xin tham gia chương trình điều trị thay thế dạng thuốc phiện bằng Methadone tại Trung tâm Y tế huyện Kim Thành. Nhưng không may cho anh Th. hậu quả của những ngày sử dụng ma túy đã khiến anh bị viêm gan siêu vi C. Sức khỏe ngày càng suy kiệt khiến anh Th. không thể làm được những công việc nặng nhọc. Anh Th. phải điều trị bệnh tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), mỗi tháng đều đặn lên tiêm thuốc, lấy thuốc về uống với chi phí từ 12-17 triệu đồng. Giờ đây, bản thân anh Th. không thể lao động, vợ anh Th. làm công nhân may lương mỗi tháng cũng chỉ 3-4 triệu đồng, lại còn phải lo cho 2 con ăn học...
Để những ước mơ không còn dang dởTheo thống kê của cơ quan chức năng, toàn tỉnh hiện có 3.395 người nghiện có hồ sơ quản lý. Điều đó, cũng có nghĩa là trên 3.000 gia đình đang phải gánh chịu nỗi đau có người thân nghiện ma túy và không thể đếm hết có bao nhiêu đứa trẻ với tương lai mờ mịt vì bố mẹ nghiện ma túy hoặc đang chịu án phạt vì ma túy. Đa số người nghiện đều còn rất trẻ, có 1.631 người trong độ tuổi 16-30 và 1.763 người trong độ tuổi trên 30. Ở độ tuổi đẹp nhất, độ tuổi sung sức nhất của cuộc đời thì họ vướng vào ma túy, tự hủy hoại bản thân mình. Không chỉ một mình họ phải trả giá đắt cho một phút nông nổi mà cả gia đình, những người thân xung quanh đều bị ảnh hưởng. Bác sĩ Chuyên khoa I Đỗ Long Xuyên, Giám đốc Trung tâm Y tế Kim Thành cho biết: “Tất cả những người bị lệ thuộc vào ma túy đã tự hủy hoại cuộc sống của mình và phá vỡ tương lai, ước mơ của nhiều người khác.Vì ma túy, họ không chỉ đánh mất sức khỏe và còn mất cả tương lai, sự nghiệp của mình. Chính vì chia sẻ, thông cảm với các bệnh nhân đến điều trị Methadone tại trung tâm nên cơ sở luôn tạo điều kiện tốt nhất để các bệnh nhân yên tâm điều trị theo phác đồ, sớm trở lại cuộc sống bình thường”.
Chừng nào ma túy còn tồn tại, những kẻ buôn bán ma túy còn hoạt động thì sẽ vẫn còn những ước mơ bị dang dở. Chính vì vậy, các ban, ngành, đoàn thể cần tăng cường hoạt động tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy đến các thôn xóm, trường học. Cần vận động nhân dân tích cực tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm ma túy, giúp đỡ người nghiện cai nghiện và tái hòa nhập cộng đồng. Lực lượng công an tập trung đấu tranh trấn áp tội phạm ma túy trên các tuyến và địa bàn trọng điểm, ngăn chặn nguồn cung cấp chất ma túy vào địa bàn. Các ngành chức năng cần nâng cao chất lượng trong công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng. Và hơn hết thảy, mỗi người, mỗi nhà cần luôn tự răn mình: Hãy tránh xa ma túy!
TÂM PHÚC
Cách cắt cơn nghiện ma túy hữu hiệu Điều trị bằng các thuốc đối kháng với ma túy: Dùng thuốc nalorphin, naloxon để gây ra các tác dụng dược lý đối kháng với các tác dụng của ma túy như làm giảm hoặc mất hẳn tác dụng của các chất tác động hệ thần kinh gây nghiện, làm mất các triệu chứng giảm đau, sảng khoái, suy giảm hô hấp, táo bón, co thắt đường mật, co thắt đường tiết niệu, co đồng tử, giảm huyết áp.
Phương pháp "lấy độc trị độc": Dùng các thuốc methadon, lacetyl methadon và propoxyphen là các chất gây nghiện cùng nhóm nhưng có tác dụng kéo dài hơn và có độc tính thấp hơn. Để cắt cơn nghiện, chỉ cần cho người nghiện dùng methadon với liều 10 - 12 mg/ngày, sau đó tùy theo thể trạng của từng bệnh nhân mà giảm liều dùng cho đến ngừng hẳn. Thường dùng methadon để điều trị trong vòng 21 ngày. Với những người nghiện không thể uống thuốc methadon thì có thể dùng methadon tiêm dưới da hay tiêm bắp theo hướng dẫn của bác sĩ. Phương pháp cai khô: Cai khô còn gọi là cai chay được áp dụng tại Mỹ năm 1938, bằng cách cô lập bệnh nhân, không cho tiếp xúc với môi trường bên ngoài, ngừng hoàn toàn việc sử dụng các chất ma túy mặc cho người nghiện lên cơn vật vã, kêu la. Cơn nghiện sẽ giảm dần sau 7 - 10 ngày nhưng người nghiện mệt mỏi, mất ngủ, đau nhức cơ xương kéo dài hằng tháng.
Phương pháp giảm dần: Còn gọi là phương pháp cai dần hay giảm liều, bằng cách giảm liều lượng ma túy mỗi ngày một ít trong thời gian từ 13 - 30 ngày, đồng thời tăng cường thuốc bổ và thuốc an thần.
Dùng các thuốc hướng tâm thần: Phương pháp này đã được Bộ Y tế Việt Nam ban hành và áp dụng từ năm 1995, bằng cách dùng các thuốc giải lo âu (diazepam), thuốc an thần kinh (tisercin, nozinan) và các thuốc chống trầm cảm (meliplamin, amitriptylin) cắt cơn trong vòng 7 - 10 ngày.
Dùng thuốc Đông y: Thuốc Đông y có nguồn gốc từ thảo dược, có tính an toàn, không độc, có hiệu lực trong hỗ trợ cắt cơn nghiện ma túy, quá trình cắt cơn êm dịu, thuốc có khả năng bình ổn các triệu chứng của hội chứng cai, như là triệu chứng dị cảm và thèm ma túy. Nhược điểm của các thuốc Đông y chưa thực hiện được nghiên cứu mù kép và cơ chế tác dụng của thuốc. Hiện nay có 2 thuốc Đông y đã được Bộ Y tế cấp số đăng ký cho phép lưu hành trong các trung tâm cai nghiện (thuốc cedemex và thuốc bông sen).
VnMedia |