Dù giáo viên luôn than thở về tính không hiệu quả, những bất cập mà thông tư 30 mang lại, những khó khăn khi giảng dạy theo mô hình trường học mới...
Dạo gần đây, ở các trường học trong cả nước đang tiến hành việc nhận xét về những thuận lợi và khó khăn khi thực hiện thông tư 30 trong hai năm vừa qua, hay việc áp dụng dạy theo chương trình trường học mới VNEN một cách đại trà...
Học sinh bày tỏ ý kiến bằng hình mặt cười, một cách làm trong mô hình trường học mới - Ảnh: VĨNH HÀ |
Dù giáo viên luôn than thở về tính không hiệu quả, những bất cập mà thông tư 30 mang lại, những khó khăn khi giảng dạy theo mô hình trường học mới...nhưng trong các bản nhận xét gửi lãnh đạo vẫn tràn ngập các lời khen, lời khẳng định, đại loại như: thông tư mang đậm tính nhân văn, không gây áp lực cho học sinh, tạo tâm thế thoải mái, tạo hứng thú học tập cho các em...
Còn với mô hình trường học mới, học sinh năng động tự tin hơn nhiều, các em biết tự tìm kiếm kiến thức để nâng cao chất lượng học tập của bản thân...
Vì sao lại có sự mâu thuẫn như vậy? Đơn giản chỉ vì chẳng thầy cô giáo nào dám nói thật, chẳng người nào muốn làm “bia đỡ đạn”, chẳng dại gì để cấp trên “chiếu tướng” và bị quy chụp “chưa có tâm huyết với nghề, không có tinh thần đổi mới, đi ngược với đường lối chủ trương của ngành”...
Có thể nói, ở hầu hết các địa phương hiện nay, ban giám hiệu nhiều trường học vẫn đang tồn tại kiểu làm việc phục tùng tuyệt đối lời nói của cấp trên. Những lời nói ấy luôn được xem như là “thánh chỉ”, và duy nhất đúng. Dù ai đó cảm thấy chưa ổn, chưa khả thi cũng phải im lặng phục tùng mà không dám lên tiếng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng có lẽ nguyên nhân quan trọng nhất là do năng lực của những cán bộ quản lý này quá yếu, nên họ sợ bị cấp trên làm khó nếu có ý kiến trái ý.
Nhiều ban giám hiệu các trường lên chức do... may mắn, do có mối quan hệ rộng, do thân tình với cấp trên... Có người chưa từng thi đậu ở một cuộc thi nào cả, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng chỉ ở mức thường thường bậc trung. Hay có những chuyên viên chỉ đạo chuyên môn nhưng chưa một lần đứng lớp, chưa có nổi một tiết dạy ra hồn...
Vì những lý do trên, những vị này chưa ai có đủ bản lĩnh dạy mẫu một vài tiết để giáo viên cảm phục và học tập kinh nghiệm. Nhưng do họ có quyền nên cứ làm “thánh phán”, vì thế những chỉ đạo, huấn thị ra đời cứ như trên mây trên gió, làm người ở dưới chạy theo muốn hụt hơi, sái cả cổ!
Rồi đây tân bộ trưởng sẽ được đọc, được nghe những bản báo cáo nhận xét có cánh về tính hiệu quả của thông tư 30, về những ưu điểm vượt trội của mô hình trường học mới VNEN. Chắc chắn sẽ có rất nhiều từ hoa mỹ, những con số đẹp làm vui lòng nhiều người, nhưng đằng sau đó lại là một sự thật hoàn toàn khác.
Tuy nhiên, nếu bộ trưởng muốn nghe những lời nói thật, muốn được giáo viên phản ảnh những thực trạng của việc dạy và học hiện nay ở các nhà trường, xin ông hãy cho mở ngay một đường dây nóng trực tiếp để giáo viên được nói đúng tiếng nói của lòng mình. Bởi chỉ ở đây họ mới dám nói thật mà không sợ bị ai “sờ gáy”.
Từ đó, bộ trưởng sẽ có cái nhìn thực chất hơn, chính xác hơn về nền giáo dục nước nhà, để có những quyết sách nhằm chấn chỉnh và khắc phục một cách hiệu quả hơn.
ANH QUÂN (Tuổi trẻ)