Kháng sinh là "con dao 2 lưỡi" bởi nếu lạm dụng quá mức sẽ gây ra hậu quả khó lường đối với cả người sản xuất và người tiêu dùng.
Thuốc kháng sinh được coi là một trong những thần dược để phòng và điều trị bệnh cho vật nuôi. Tuy nhiên, nó cũng là "con dao 2 lưỡi" bởi nếu lạm dụng quá mức sẽ gây ra hậu quả khó lường đối với cả người sản xuất và người tiêu dùng.
Hiện nay Chi cục Thú y tỉnh chỉ lấy mẫu kiểm tra theo xác suất nên khó kiểm soát,
ngăn chặn việc lạm dụng kháng sinh của người chăn nuôi
Người nuôi thiếu kiến thứcVới tâm lý càng dùng nhiều kháng sinh thì khả năng miễn dịch càng tốt nên không ít hộ chăn nuôi đã không ngần ngại dùng nhiều loại thuốc khác nhau cho vật nuôi. Quan điểm sai lầm này đã dẫn đến việc sử dụng kháng sinh ngày càng tùy tiện. Đa số người nuôi không nhận thức được rằng nếu lạm dụng kháng sinh sẽ phản tác dụng bởi vật nuôi bị nhờn thuốc, ít có khả năng chống chịu với bệnh dịch. Không những vậy, việc dùng kháng sinh quá liều sẽ làm tồn dư một lượng lớn kháng sinh trong cơ thể vật nuôi. Nếu vật nuôi chưa đào thải hết độc tố mà đã được bán ra thị trường sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người tiêu dùng.
Theo tiết lộ của nhiều chủ trang trại, trong các loại gia súc, gia cầm, gà lông trắng là vật nuôi sử dụng nhiều thuốc kháng sinh nhất. Mặc dù mẫn cảm với thời tiết, dễ nhiễm bệnh, nhưng do thời gian nuôi ngắn, tốn ít chi phí nên trước đây giống gà này được nhiều hộ chăn nuôi lựa chọn. Nhiều nông dân coi kháng sinh như là thần dược để khắc phục những hạn chế của gà lông trắng. Với chu kỳ nuôi chỉ từ 45 - 50 ngày trong khi trọng lượng mỗi con gà lại đạt từ 3 - 4 kg nên khách hàng ngày càng nghi ngờ về mức độ an toàn của sản phẩm. Vì thế, khi vấn đề an toàn thực phẩm được quan tâm thì gà lông trắng bị người tiêu dùng quay lưng và đang dần lép vế trên thị trường.
Tình trạng lạm dụng kháng sinh trong nuôi thủy sản cũng đang trở nên đáng báo động. Nguyên nhân chủ yếu do người dân chưa được trang bị các kiến thức, kỹ năng về cách thức và thời điểm sử dụng kháng sinh hiệu quả, an toàn. Mặc dù đã có hơn 10 năm kinh nghiệm nuôi cá nhưng anh Nguyễn Đức Thuận ở xã Cao Thắng (Thanh Miện) vẫn lúng túng khi lựa chọn sản phẩm kháng sinh phù hợp để phòng bệnh cho cá. Theo anh Thắng, trước kia nuôi cá đơn giản, ít phải lo bệnh dịch nên anh không mấy khi để ý tới các loại thuốc kháng sinh. Bây giờ, nguồn nước bị ô nhiễm, thời tiết thất thường khiến cá phát sinh nhiều loại bệnh. Đối với con lợn, con gà, người nuôi có thể dễ dàng quan sát, phát hiện ra vật nuôi nhiễm bệnh để cách ly và điều trị riêng, còn con cá sống dưới nước nên rất khó phát hiện. "Chúng tôi không thể tính toán được chính xác mức độ dịch hại. Do vậy, cách duy nhất để miễn nhiễm với nguồn bệnh là sử dụng kháng sinh để phòng bệnh trước, còn dùng trong chữa bệnh chỉ là giải pháp tình thế", anh Thắng cho biết.
Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại thuốc kháng sinh dành cho cá nên những người chăn nuôi như anh Thắng có thêm lựa chọn. Nhưng đây cũng là trở ngại vì khó có thể tìm hiểu được đâu là sản phẩm tốt và an toàn bởi hầu hết người nuôi cá đều làm theo kinh nghiệm và tin tưởng vào sự tư vấn của người bán. Quy trình sử dụng kháng sinh cũng còn nhiều bất cập, người nuôi ít quan tâm tới liều lượng và thành phần của thuốc. Nếu như thuốc này dùng không hiệu quả họ lại chuyển sang thuốc khác. Do vậy, dư lượng kháng sinh không chỉ tồn đọng trong cơ thể vật nuôi mà còn tồn dư tại ao nuôi. Nếu ao nuôi không được cải tạo thường xuyên, lượng kháng sinh dư thừa sẽ tích tụ, ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng và phát triển của cá.
Khó kiểm soátViệc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi là mối nguy hại lớn đối với sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong khi nhiều hộ chăn nuôi vì lợi nhuận mà xem nhẹ vấn đề này thì cơ quan chức năng vẫn loay hoay tìm giải pháp ứng phó.
Theo ông Vũ Văn Hoạt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, cái khó lớn nhất trong việc kiểm soát kháng sinh là quy mô chăn nuôi trong tỉnh vẫn chủ yếu nhỏ lẻ. Người dân thường làm theo thói quen nên không bảo đảm về liều lượng và thời gian cách ly. Việc kiểm soát dư lượng kháng sinh không hề đơn giản. Đơn vị chỉ có thể lấy mẫu kiểm tra theo xác suất nên không thể đưa ra kết luận tổng thể. Tâm lý ham rẻ và thiếu thông tin về sản phẩm của người dân cũng tạo cơ hội cho những loại kháng sinh giả, kém chất lượng có thể trà trộn vào thị trường.
Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản là đơn vị thực hiện chức năng quản lý, giám sát việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi. Do lực lượng mỏng, thiếu phương tiện kiểm tra nên chi cục cũng chỉ tiến hành lấy mẫu xét nghiệm tại các cơ sở sản xuất theo chuỗi cung ứng để xác định độ an toàn. Còn những trang trại tự sản, tự tiêu thì hầu như vẫn chưa kiểm soát được.
Sản xuất theo quy trình VietGAP là giải pháp bền vững để hạn chế việc lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi. Mặc dù tỉnh ta có lợi thế phát triển chăn nuôi với nhiều trang trại, gia trại và khu chăn nuôi tập trung nhưng đến nay mới chỉ có 3 trang trại được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Do đó, ngoài việc tuyên truyền để nâng cao ý thức, trách nhiệm của các hộ chăn nuôi với cộng đồng, cơ quan chức năng cũng cần hướng dẫn người dân xây dựng các mô hình sản xuất sạch, an toàn. Có như vậy, tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh tràn lan mới được đẩy lùi.
DŨNG CƯỜNG