Trong việc sử dụng xe đạp điện, nhiều học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm với bản thân và người tham gia giao thông.
Tình trạng học sinh điều khiển xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm diễn ra phổ biến.
Ảnh chụp ngày 28-3, trên đường Nguyễn Văn Linh (TP Hải Dương)
Những năm gần đây, xe đạp điện trở thành phương tiện giao thông được nhiều người sử dụng, nhất là học sinh. Phương tiện này có ưu điểm là nhẹ, giá chỉ dao động từ 5-12 triệu đồng/chiếc, phù hợp với túi tiền của nhiều gia đình, người điều khiển không cần giấy phép lái xe, khi hết điện có thể đạp như xe thường. Tuy nhiên, trong việc sử dụng xe đạp điện, nhiều học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm với bản thân và người tham gia giao thông.
Chị Nguyễn Thị Ánh ở phố Nguyễn Chí Thanh (TP Hải Dương) cho biết: Con tôi học lớp 10 và phải học thêm khá nhiều. Có những hôm gần 12 giờ trưa cháu mới về đến nhà, ăn uống qua loa rồi lại chuẩn bị sách vở học ca 1 buổi chiều, lại 1 tuần 3 buổi đi học thêm buổi tối. Thấy việc đi lại của cháu mất nhiều công sức và thời gian nên tôi đã mua cho cháu chiếc xe đạp điện để bớt vất vả. Qua tìm hiểu được biết, chị Ánh quan tâm đến sức khỏe nhưng chưa quan tâm đến sự an toàn của con. Chị cho rằng, con chị là con gái nên chuyện phóng nhanh, vượt ẩu sẽ không có và chị thường xuyên dặn dò con đi đường phải cẩn thận nên không cần đội mũ bảo hiểm (MBH).
Tại TP Hải Dương, vào các buổi tan học, tình trạng học sinh điều khiển xe đạp điện hàng đôi, hàng ba, dùng ô che, chở 2-3 người diễn ra khá phổ biến. Thậm chí, tại một số ngã ba, ngã tư, mặc dù có cảnh sát giao thông đứng trực nhưng tình trạng trên vẫn không giảm. Có mặt tại cổng trường K.(Ninh Giang), chúng tôi thấy khá nhiều học sinh dùng xe đạp điện đến trường. Tuy nhiên, không có bất kỳ một em nào đội MBH. Trao đổi với một học sinh, chúng tôi được biết, từ nhà em đến trường khoảng 5 km. Khi tôi hỏi, em có biết đi xe đạp điện không đội MBH là vi phạm Luật Giao thông đường bộ không thì em nói không biết, thấy các bạn trong trường không đội thì em cũng không đội.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, vận tốc tối đa của một chiếc xe đạp điện có thể lên đến 50 km/giờ. Tuy nhiên, khi đi với vận tốc này thì phanh xe không bảo đảm, xe hay bị trượt hoặc văng theo đà đang chạy. Thêm vào đó, trọng lượng chở tối đa của xe đạp điện chỉ đến 80kg, nhưng nhiều học sinh chở 3, gây mất an toàn.
Thời gian qua, một số địa phương đã thực hiện việc tuần tra, kiểm soát đối với người điều khiển xe đạp điện, tập trung vào đối tượng học sinh. Thiếu tá Nguyễn Hoàng Long, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông (Công an TP Hải Dương) cho biết: "Năm 2012, Công an TP Hải Dương đã tổ chức 4 đợt tuần tra, kiểm soát đối với người tham gia giao thông sử dụng xe đạp điện. Qua đó đã xử phạt hơn 100 trường hợp người điều khiển không đội MBH, đi hàng ba, sử dụng ô, nghe điện thoại, trong đó học sinh chiếm trên 80%. Theo số liệu của Công an huyện Ninh Giang, từ ngày 1-12-2012 đến ngày 8-4-2013, Công an huyện đã lập biên bản xử lý 903 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, trong đó có 75 trường hợp người điều khiển xe đạp điện vi phạm (chiếm trên 8% và đều là học sinh). Trong số các trường hợp điều khiển xe đạp điện vi phạm, có 23 trường hợp từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, các trường hợp này bị phạt cảnh cáo và tạm giữ xe 10 ngày. Số học sinh bị kiểm tra và phạt như trên vẫn rất nhỏ so với thực tế vi phạm. Theo ghi nhận của một số đơn vị công an trên địa bàn tỉnh, hiện chưa có vụ tai nạn giao thông nào do xe đạp điện gây ra. Tuy nhiên, do phụ huynh học sinh và chính các em rất chủ quan, chưa quan tâm đến vấn đề an toàn khi điều khiển xe đạp điện nên nguy cơ gây ra tai nạn rất cao.
Để người điều khiển xe đạp điện không vi phạm các quy định của Luật Giao thông đường bộ, trong năm 2013, Công an TP Hải Dương sẽ xây dựng 1 chuyên đề về xử lý người điều khiển xe đạp điện vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Trong đó, Công an TP Hải Dương phối hợp với các trường học trên địa bàn đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục ý thức trách nhiệm của học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố. Sau đó sẽ tổ chức tuần tra, kiểm soát để xử phạt các vi phạm. Ban An toàn giao thông các huyện, thị xã cần đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường để hạn chế các vi phạm đối với người điều khiển phương tiện này.
Khoản d, điểm 4, điều 11, Nghị định 34/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp máy không đội MBH hoặc đội MBH không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ sẽ bị phạt từ 100-200 nghìn đồng; phạt từ 40-60 nghìn đồng đối với người điều khiển xe đạp điện đi hàng ba trở lên, hoặc không đi đúng làn đường của mình; từ 60-80 nghìn đồng nếu chở quá số người quy định. Riêng đối với các trường hợp điều khiển phương tiện chưa đủ tuổi thành niên thì xử lý theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính về việc xử lý người chưa thành niên.
Theo ông Đặng Văn Khả, điều phối viên Dự án “Tăng cường an toàn giao thông trên các quốc lộ phía Bắc Việt Nam” tại tỉnh ta, để sử dụng xe đạp điện an toàn, người điều khiển cần đi giày hoặc dép có quai hậu, không sử dụng ô khi xe đang chạy, không mang, vác vật cồng kềnh và phải đội MBH có cài quai mũ đúng quy cách bằng cách kiểm tra xoay trên đầu xem độ vừa, cài quai dưới cằm nhưng bảo đảm đưa được 2 ngón tay qua để quai mũ không chặt cũng không rộng. Ngoài ra, người điều khiển xe đạp điện cần tuân thủ nghiêm các quy định khác của Luật Giao thông đường bộ khi tham gia giao thông.
|
NGỌC THUỶ