Hầu hết các nhánh sông tự nhiên đều bị ô nhiễm bởi tổng chất rắn lơ lửng, các nhánh sông nội đồng có dấu hiệu ô nhiễm các hợp chất hữu cơ...
Ngày 14-3, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo tổng kết đề tài “Nghiên cứu phân vùng chất lượng nước và đánh giá khả năng tiếp nhận ô nhiễm môi trường của các nhánh sông chính trên địa bàn tỉnh Hải Dương”. Đề tài do Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) chủ trì thực hiện.
Hải Dương có tài nguyên nước dồi dào với tổng chiều dài các con sông khoảng 500 km. Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường đã khảo sát và lựa chọn 75 điểm lấy mẫu trên các nhánh sông chính và 80 điểm lấy mẫu trên nhánh sông phụ với 29 thông số ô nhiễm đặc trưng. Kết quả quan trắc và phân tích chất lượng nước tại các điểm lấy mẫu cho thấy: hầu hết các nhánh sông tự nhiên đều bị ô nhiễm bởi tổng chất rắn lơ lửng, các nhánh sông nội đồng có dấu hiệu ô nhiễm các hợp chất hữu cơ, các chất dinh dưỡng và E.coli nhiều hơn. Nguyên nhân là do nước thải các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nước thải sinh hoạt không được xử lý triệt để trước khi thải ra môi trường; hệ thống thoát nước mưa và nước thải ở nhiều nơi bị san lấp gây ngập úng cục bộ...
Đây là lần đầu tiên Hải Dương áp dụng chỉ số chất lượng nước WQI có tính quốc tế hóa để đánh giá chất lượng nước sông.
NGUYỄN THỊ ÁNH