Hào khí của Cách mạng Tháng Tám

19/08/2012 18:15

Cách mạng Tháng Tám 1945 là một trong những trang sử vẻ vang, chói lọi nhất, là một trong những bước ngoặt vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc.



Hình ảnh những ngày Tháng Tám 1945 ở Hà Nội . Ảnh tư liệu

Trong lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã viết nên nhiều trang sử  vẻ vang với những chiến công chói lọi chống xâm lược và chống ách thống trị của nước ngoài. Cách mạng Tháng Tám 1945 là một trong những trang sử vẻ  vang, chói lọi nhất, là một trong những bước ngoặt vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc. Ðánh giá ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Ðảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc".

Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta đã giành lại được độc lập dân tộc trong tay phát xít Nhật và thực dân Pháp, đưa đất nước thoát khỏi cảnh mất nước, lầm than, chìm đắm trong vòng nô lệ hơn 80 năm. Đây cũng là phát súng lệnh mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc trên toàn thế giới, tạo điều kiện cho hàng loạt nước Á - Phi giành được độc lập dân tộc dưới các mức độ khác nhau, chấm dứt về cơ bản chủ nghĩa thực dân cũ thống trị hơn 300 năm nhiều dân tộc trên thế giới.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám để lại nhiều bài học lớn mang tính nguyên lý có giá trị vĩnh hằng và hiện thực cho nhân dân ta và nhiều dân tộc khác cùng cảnh ngộ tương đồng trên thế giới.

Đó là bài học “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” (Nguyễn Ái Quốc). Nhờ vậy mà một dân tộc không đông, diện tích không rộng, nhưng dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam, chỉ với trên 6.000 đảng viên cộng sản đã động viên, tổ chức được sức mạnh phi thường của hơn 20 triệu nhân dân giác ngộ, cả nước nhất tề đứng lên, chỉ sau một tuần lễ đã đập tan bộ máy cai trị thực dân - phong kiến từ làng, xã đến triều đình phong kiến và bộ máy cai trị thực dân để giành chính quyền về tay nhân dân, thiết lập ra chế độ Cộng hòa Dân chủ.

Đó là bài học giành độc lập dân tộc phải đi đôi với đem lại tự do và hạnh phúc cho nhân dân. Ngay sau khi chính quyền cách mạng mới được thành lập, Chính phủ cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phát động đồng thời ba cuộc vận động lớn “diệt giặc đói”, “diệt giặc dốt”, “diệt giặc ngoại xâm”, và chủ trương “Tín ngưỡng tự do" và "Lương giáo đoàn kết” với quan điểm xuyên suốt "Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì".

Đó là bài học giành chính quyền phải đi đôi với bảo vệ chính quyền. Bài học này không chỉ khi chính quyền cách mạng còn non trẻ như “ngàn cân treo sợi tóc”, mà cả khi phải liên tục tiến hành hai cuộc kháng chiến trường kỳ, vô cùng gian khổ, không nề hy sinh để bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng Tháng Tám và hoàn thành sự nghiệp vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám là giải phóng hoàn toàn dân tộc, thống nhất đất nước, thu giang sơn gấm vóc Việt Nam về một mối, chấm dứt vĩnh viễn ách nô lệ ngoại bang và họa chia cắt đất nước.

Đó là bài học về xây dựng, đổi mới thượng tầng kiến trúc xã hội phải đi đôi và được xây dựng trên nền tảng xã hội vững mạnh và cơ sở vật chất - kỹ thuật hùng cường. Trong chiến tranh, đó là xây dựng và phát triển nền kinh tế thời chiến, làm cơ sở hậu phương vững chắc cho tiền tuyến và bồi dưỡng sức dân cho chiến đấu lâu dài. Khi đất nước sạch bóng quân thù là phải kịp thời chuyển nền kinh tế thời chiến sang thời bình; quan trọng hơn là kịp thời đổi mới toàn diện nền kinh tế - thực chất là xây dựng mới nền kinh tế - nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế trong thời kỳ mới phù hợp với sự phát triển bứt phá của nền kinh tế thế giới được thúc đẩy bằng sự bùng nổ về khoa học - công nghệ của kỷ nguyên kinh tế tri thức. Sự đổi mới và phát triển kinh tế cũng phải theo tinh thần “Đem sức ta mà làm nên sự nghiệp của ta”, “Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân” (Hồ Chí Minh 15-10-1949).

Những bài học bất hủ của  Cách mạng Tháng Tám có giá trị vĩnh hằng được Đảng ta kế tục và vận dụng sáng tạo, là tiền đề nhận thức - tư tưởng và quan điểm phát triển, đã và đang là động lực to lớn đưa nước ta tiếp tục phát triển đi lên trong xây dựng và phát triển toàn diện đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

NGUYỄN VĂN THANH

(0) Bình luận
Hào khí của Cách mạng Tháng Tám