Việc Trung Quốc cải tạo đất và xây đảo nổi trên bãi đá ngầm Gạc Ma của Việt Nam là một mũi tên nhắm vào nhiều mục tiêu nguy hiểm.
Hình ảnh do Philippines chụp cho thấy hoạt động xây dựng trên đá Gạc Ma - Ảnh: Philippines Star
Ảnh lớn: Trung Quốc đang biến đảo Gạc Ma của Việt Nam thành một đại công trường - Ảnh: BBC Ảnh nhỏ (từ trái qua): Nhà báo Rupert Wingfield-Hayes (BBC), tác giả của loạt bài tố cáo Trung Quốc đang mở rộng quy mô đảo Gạc Ma (Trường Sa, Việt Nam) khiến thế giới ngỡ ngàng - Cận cảnh hoạt động mở rộng đảo Gạc Ma - Các hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại Gạc Ma chụp từ trên cao - Ảnh: BBC - Philippines Star |
Hành động này còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định trên Biển Đông.
Trả lời phỏng vấn PV, chuyên gia Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao các vấn đề châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho biết, mục tiêu đầu tiên của Trung Quốc là “tạo thực tế mới trên Biển Đông”.
Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) quy định các nước không thể đòi chủ quyền các bãi đá ngầm và “bãi đá không duy trì sự định cư của con người hay không có đời sống kinh tế sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa”.
Chuyên gia Glaser cho rằng, việc Trung Quốc cải tạo đất để xây đảo nổi ở Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam rõ ràng để đưa công dân Trung Quốc tới đây định cư.
Khi có các hoạt động kinh tế, Bắc Kinh sẽ viện “thực tế mới” này để khẳng định chủ quyền bất hợp pháp và quản lý khu vực “đặc quyền kinh tế” 200 hải lý tính từ đảo nổi mới dựng ra.
Qua đó Trung Quốc sẽ có thêm cơ sở hiện thực hóa bản đồ “đường lưỡi bò” vô lý, hoàn toàn trái ngược với luật pháp quốc tế.
Mối đe dọa nghiêm trọng
Mục tiêu thứ hai của Bắc Kinh, theo chuyên gia Glaser, là xây dựng trên bãi đá Gạc Ma các cơ sở quân sự như đường băng máy bay, lắp đặt hệ thống rađa để thu thập thông tin tình báo...
Trên thực tế, trước đó tạp chí quốc phòng Canada Kanwa Defense Review từng cảnh báo cơ sở quân sự của Trung Quốc trên đá Gạc Ma sẽ có chức năng theo dõi các hoạt động của hải quân Mỹ và các nước khu vực.
Kanwa cho biết, có khả năng Trung Quốc đang xây đường băng dài 2.000m trên đảo mới để lập căn cứ triển khai các máy bay quân sự.
Khi đó, Bắc Kinh sẽ đủ sức tổ chức thực hiện các chiến dịch trên không ở toàn eo biển Malacca, phục vụ chiến lược kiểm soát Biển Đông và thôn tính đảo Đài Loan, điều mà trước đây quốc gia này không thể làm được.
Kanwa đánh giá đây là mối đe dọa trực tiếp tới Mỹ, Việt Nam và Đài Loan.
Đảo mới trên đá Gạc Ma và đường băng quân sự cũng sẽ giúp Trung Quốc hiện thực hóa ý đồ lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.
“Với các cơ sở này, Trung Quốc cũng đang tạo ra đủ các điều kiện cần thiết nhằm thiết lập và kiểm soát một cách hiệu quả ADIZ trên Biển Đông, chuyên gia Glaser cảnh báo - Nhìn chung, Trung Quốc quyết tâm siết chặt khả năng kiểm soát Biển Đông”.
Trao đổi với PV, chuyên gia Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) cũng cho rằng, Trung Quốc xây đảo mới trên bãi Gạc Ma chủ yếu để hiện thực hóa giấc mơ “đường chín đoạn” và mở rộng hiện diện quân sự tại quần đảo Trường Sa.
“Theo quan điểm của tôi, đây là hành vi gây bất ổn và vi phạm trắng trợn Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc ký với ASEAN năm 2002” - ông Storey nhấn mạnh.
Giấc mơ “Vạn lý trường thành” trên biển
Ngoài Trung Quốc, đến nay chưa có quốc gia nào trong khu vực xây đảo trên các bãi đá ở Biển Đông.
Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc đánh giá đây là hành vi thay đổi hiện trạng trên Biển Đông, nằm trong chiến lược chiếm đoạt chủ quyền của Trung Quốc.
“Hành động đó chắc chắn sẽ khiến căng thẳng trên Biển Đông tiếp tục leo thang” - giáo sư Thayer nhận định.
Trên tạp chí Mỹ National Interest, chuyên gia Raul Pedrozo, cựu luật sư thuộc Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, cũng cảnh báo việc Trung Quốc xây đảo nổi trên bãi Gạc Ma là nằm trong ý đồ xây một “Vạn lý trường thành” trên Biển Đông nhằm chiếm đoạt hoàn toàn vùng biển này.
Ông khẳng định nghiên cứu kỹ lịch sử khu vực và luật pháp quốc tế cho thấy Trung Quốc không có bất cứ cơ sở gì để đòi chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
“Xung đột trong khu vực sẽ khiến cả nền kinh tế thế giới bất ổn. Mỹ phải thể hiện rõ ràng và mạnh mẽ phản ứng chống lại Trung Quốc và khuyến khích các nước đồng minh hành động tương tự. Việt Nam nên tiếp bước Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế” - luật sư Pedrozo kêu gọi.
Trung Quốc tuyên bố mở rộng Gạc Ma vì mục đích quân sự MỸ LOAN |
BỘ NGOẠI GIAO VIỆT NAM Trả lời câu hỏi của PV về việc Trung Quốc xây dựng trái phép ở đảo Gạc Ma và một số bãi đá ngầm tại Trường Sa, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa. Mọi hành động đơn phương của nước ngoài nhằm làm thay đổi hiện trạng khu vực này đều xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông và khu vực”. |