Một số hành vi phổ biến ở trẻ nhỏ cần được cha mẹ can thiệp kịp thời và đúng cách để không hình thành thói quen và lối sống không tốt sau này.
1. Trẻ "đe dọa", ép buộc bố mẹ làm theo ý mình
Đây là trường hợp mà không ít bậc cha mẹ từng gặp qua. Khi không được bố mẹ chiều ý, không ít đứa trẻ vùng vằng: "Mẹ mà không mua đồ cho con thì con không đứng dậy" hay "Mẹ không mua thì con ghét mẹ",... Trước tình cảnh này nhiều cha mẹ đành thỏa hiệp với con. Đây là hành động sai, đúng ra cha mẹ cần kiên quyết, thể hiện sự không hài lòng và giải thích cho con biết đòi hỏi của mình là sai.
Nếu cha mẹ vẫn chiều chuộng thì nhu cầu, đòi hỏi của con càng ngày càng lớn. Sự ích kỷ, bất mãn, không biết tốt xấu cũng theo đó mà tăng. Vậy nên với những vấn đề mang tính nguyên tắc, cha mẹ cần phải cứng rắn hơn.
2. Không có khả năng tự tiêu khiển
Nhà tâm lý học trẻ em người Nga, Katerina Murashova đã thực hiện một thử nghiệm. Bà tập hợp 68 người trẻ từ 12 đến 18 tuổi, cho các em dành ra tám tiếng ở một mình, không có bạn bè hoặc thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng. Kết quả, chỉ ba em thoải mái vượt qua nhiệm vụ này, trong khi nhóm còn lại cảm thấy vô cùng chán nản.
Trẻ nhỏ không thể tự tiêu khiển và điều đó là bình thường. Tuy nhiên, nếu những đứa trẻ lớn hơn không phát triển được kỹ năng này, chúng không thể tập trung vào cảm xúc của chính mình vì mọi thứ làm chúng bối rối. Khi trưởng thành, chúng sẽ dễ hoảng sợ trước những việc bình thường như điện thoại bị hỏng.
Để giúp trẻ cải thiện kỹ năng này, phụ huynh nên dành nhiều thời gian chuyện trò, giới hạn thời gian sử dụng thiết bị điện tử, giúp trẻ tìm ra những sở thích không cần kết nối với điện thoại và máy tính.
3. Khó khăn khi học mọi thứ
Theo nhà tâm lý học học đường Ann Logsdon (Mỹ), nếu con gặp khó khăn trong việc học những kỹ năng cơ bản, chúng có thể khiếm khuyết trong việc học tập. Phát hiện sớm là chìa khóa để ngăn chặn yếu điểm này. Bởi nếu con có được sự giúp đỡ cần thiết và được giáo viên chuyên biệt ở trường giúp đỡ, chúng sẽ sớm ổn.
4. Không tôn trọng cha mẹ, người lớn tuổi, có hành vi hỗn hào
Một đứa trẻ nọ cùng mẹ đi trung tâm thương mại. Khi người mẹ đang thử quần áo, chưa kịp mua kem cho con gái thì bé đã lập tức lấy chân đạp vào mẹ. Tuy nhiên, người mẹ không có động thái nhắc nhở mà chỉ bỏ qua.
Hay có câu chuyện như này: Ông nội chuyển kênh TV. Cháu vì không được xem hoạt hình nên đã quát tháo, thậm chí đánh ông. Thế nhưng ông cũng không mắng mà vội vàng chuyển kênh lại cho cháu.
Khi nói về trình độ đọc viết của một đứa trẻ, điều đó phụ thuộc vào khả năng. Nhưng mức độ, phẩm chất đạo đức là đặc điểm cơ bản nhất của con người. Nếu con em chúng ta vô tư văng tục, hỗn hào với người lớn tuổi thì cha mẹ bắt buộc phải kỷ luật nghiêm khắc. Đây không chỉ là vấn đề giáo dục gia đình mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến tương lai, đạo đức của trẻ sau này.
5. Hành động hấp tấp
Một số trẻ thường nói và cư xử thiếu suy nghĩ, gây phiền toái cho bản thân và những người xung quanh. Chúng có thể đặt chảo nóng lên khay nhựa hay nhảy vào vũng nước mưa khi đang mặc đồ trắng.
Đầu tiên, phụ huynh phải nghiêm túc dạy trẻ cách đánh giá và đoán hậu quả những hành vi của mình. Khi sự việc không mong muốn xảy ra, bạn hãy bình tĩnh, phân tích hành vi của trẻ và tìm hiểu lý do tại sao trẻ làm vậy. Bạn cũng cần đặt ra một số nguyên tắc để sửa tính hấp tấp của trẻ và khen ngợi khi chúng thực hiện tốt.
6. Trẻ 'ngồi lê đôi mách'
Cần phân biệt giữa những chuyện phiếm vô hại và lời tán gẫu có hại. Dù trẻ ít khi nói linh tinh, nhưng nếu chúng đã cất lời, câu chuyện rất dễ lan truyền.
Phó giáo sư nghiên cứu tâm lý giáo dục tại Đại học Washington ở Seattle, Karin S. Frey, giải thích: "Trẻ em ở độ tuổi này nói chuyện phiếm để thử nghiệm xem chúng có quyền lực và ảnh hưởng như thế nào đối với người khác. Chúng cũng tin điều này sẽ giúp mình nổi tiếng hơn".
Cha mẹ cần giải thích cho con tại sao không nên như vậy. Hãy cảnh báo trẻ, khi "ngồi lê đôi mách", rất có thể người khác cũng đang nói xấu sau lưng con. Nếu không muốn đứa trẻ trở thành người buôn chuyện, bạn có thể nhờ sự hỗ trợ từ giáo viên của con.
7. Tính tình cố chấp, thích làm tổn thương người khác
Một số cha mẹ vì quá yêu thương con cái nên bao dung một số tật xấu ở con như nhỏ nhen, cố chấp,... Kết quả là con ngày càng xấu tính, ích kỷ, vô lý. Đứa trẻ có tính cách này chẳng bao giờ được lòng mọi người xung quanh.
Không chỉ vậy, kiểu trẻ này còn hay hả hê, thích thú trước nỗi buồn, sự đau khổ người khác. Có những đứa trẻ thích xé vở, phá đồ chơi của bạn. Cả hành vi này và cảm xúc phía sau nó đều rất nguy hiểm. Về lâu dài, trẻ không biết đúng sai khi trưởng thành rất dễ đi vào con đường phạm pháp.
8. Tự làm hại mình
Cố ý tự làm hại bản thân (DSH) là hành vi một người tự gây tổn hại cho bản thân.
Nghiên cứu trên trang Psychiatric Times năm 2011 cho hay, nguyên nhân dẫn đến hành vi này là do trẻ trầm cảm quá mức, lòng tự trọng bị tổn thường, cảm giác vô vọng kéo dài, bốc đồng, là nạn nhân bắt nạt học đường, xung đột gia đình, nghèo đói hoặc lạm dụng.
Trẻ thường có xu hướng tự cấu véo, cào hoặc đấm. Thanh niên thiếu niên thì hay rạch tay.
Điều đầu tiên cha mẹ cần làm khi trẻ hành động như vậy là quan tâm con sát sao hơn. Sau đó, cần đưa trẻ đi trị liệu để giải tỏa cảm xúc tiêu cực.
9. Vô trách nhiệm
"Ngày bé, anh trai luôn đổ lỗi cho tôi và nói rằng đứa trẻ nào kêu ca sẽ bị gửi vào cô nhi viện. Một lần nọ, anh nói tôi làm TV rơi xuống nền nhà. Nhưng việc đó lại xảy ra khi bố mẹ đi đón tôi ở bệnh viện về. Do đã quen nhận lỗi, tôi nói mình làm hỏng TV. Lần đó anh bị bố mẹ phạt rất nặng".
Bạn có bao giờ gặp tình huống này không? Một số đứa trẻ chưa học được cách chịu trách nhiệm cho hành vi của mình, thường xuyên tự bào chữa hoặc đổ lỗi cho người khác. Đây là điểm quan trọng mà bố mẹ cần dạy chúng thay đổi từng chút một.
10. Con vô ơn
Đôi khi trẻ thốt ra những lời rất thô lỗ và vô ơn. Trong tiệc sinh nhật, khi ai đó tặng quà, con không quan tâm, tỏ vẻ không vừa lòng. Nếu hiểu hành vi của chúng ảnh hưởng thế nào đến người khác, chúng sẽ biết đồng cảm hơn.
Hãy giúp trẻ nhận ra để có được món quà, người tặng tốn kém tiền bạc, thời gian như thế nào.
Theo Gia đình