Hơn 20 năm theo các con sinh sống tại Thủ đô Hà Nội, bà Trình Thị Thanh (83 tuổi, quê ở thôn Tràng Kênh, xã Kim Giang, Cẩm Giàng) luôn đau đáu nỗi niềm với quê hương.
Bà Trình Thị Thanh (ngoài cùng bên trái) cùng gia đình thăm nhà văn hóa khu 1, thị trấn Cẩm Giàng mới được xây dựng
Không chỉ tích cực tham gia các phong trào của địa phương, bà Thanh còn vận động các thành viên trong gia đình tiết kiệm chi tiêu, ủng hộ xây dựng cơ sở hạ tầng nơi đây.
Quê ở Kim Giang nhưng từ năm 1956, bà Thanh lập gia đình rồi theo chồng về sống tại thị trấn Cẩm Giàng. Khi ấy, Cẩm Giàng là một thị trấn nhỏ, dân cư thưa thớt nhưng lại là nơi có phong trào cách mạng quật khởi. Vốn tham gia cách mạng từ trước khi lấy chồng, tại đây, phẩm chất tốt đẹp của một đảng viên, một cán bộ hết lòng với công việc đã được bà thể hiện qua nhiều hoạt động cụ thể. Nhờ vậy, bà luôn được tổ chức và nhân dân tin tưởng. Năm 1979, bà Thanh giữ chức Bí thư Chi bộ thị trấn Cẩm Giàng.
Bà Thanh là một trong số ít đại biểu của huyện được gặp Bác Hồ vào năm 1962. Bà Thanh nhớ lại: "Ngày ấy, chúng tôi chỉ nhận thông báo được gặp Bác Hồ từ ngày hôm trước. Ai cũng xúc động và hồi hộp. Sáng 26.7.1962, sau khi nghe Bác nói chuyện tại sân Vọng Cung (TP Hải Dương), tôi và một vài đồng chí khác còn vinh dự được gặp trực tiếp Bác. Bác ân cần hỏi chuyện từng người. Rồi Bác dặn, đã làm cán bộ thì phải luôn gương mẫu và chăm lo đời sống cho người dân...". Ghi nhớ lời Bác dạy, bà Thanh ngày càng nhiệt tình, hăng say với công việc.
Năm 1992, bà nghỉ hưu và theo gia đình lên Hà Nội sinh sống. Tuy nhiên, có cơ hội là bà lại trở về hưởng ứng các phong trào xây dựng địa phương. Khi xã Kim Giang vận động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới, bà Thanh động viên các con cháu tiết kiệm chi tiêu ủng hộ kinh phí xây cổng đình thôn Tràng Kênh, làm đường giao thông tại thôn Kim Quan với tổng số tiền hơn 400 triệu đồng.
Cuối năm 2017, khu dân cư số 1 của thị trấn Cẩm Giàng gặp khó khăn trong xây dựng nhà văn hóa. Mặc dù có nhà riêng và tham gia sinh hoạt tại khu dân cư số 2 nhưng bà Thanh vẫn quyết định hiến một phần đất rộng gần 200 m2, giá trị hơn 600 triệu đồng để khu 1 xây dựng nhà văn hóa. Điều khiến bà Thanh cảm thấy hạnh phúc nhất là khi đưa ý kiến về việc hiến đất cho địa phương thì các thành viên trong gia đình đều hết lòng ủng hộ.
Bà Thanh chia sẻ: "Tuy xa quê hương nhưng chưa bao giờ tôi không nghĩ về mảnh đất này. Với tôi, được góp chút công sức xây dựng quê hương giàu đẹp là niềm hạnh phúc lớn nhất".
ĐỨC TÂM