Nửa đêm, thấy anh Lũng, người cháu ở cuối xóm mới cưới vợ, cắp chăn màn đến xin ngủ tạm, ông Chẩn ngạc nhiên hỏi:
- Lại “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” phải không? “Cái cò là cái cò quăm/Mày hay đánh vợ, đêm nằm với ai!”…
Lũng nhăn nhó:
- Thưa chú, đúng là “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Nhưng là với hàng xóm. Nhà anh Thảnh nuôi nhiều lợn. Gió đông nam thốc mùi vào thẳng nhà cháu. Chúng cháu đeo khẩu trang rồi mà vẫn không tài nào ngủ được. Vợ cháu tạm về bên ngoại. Cháu sang nhờ chú thím…
- Thế sao hàng xóm lại không bảo nhau?
- Cháu đã dùng “quả độc” mà vẫn không thể khác được.
Ông Chẩn giật mình, ngạc nhiên hỏi:
- Anh nói dùng “quả độc” là như thế nào?
- Lúc chiều, cháu mới dồn tất cả túi nilon, lốp xe hỏng, lông gà lông vịt… chất đống bên vườn nhà cháu, cách cửa sổ nhà nó chỉ một mét, rồi “phóng hỏa”, khói khét mù mịt. Anh Thảnh không nói gì nhưng vợ con bên đó thì kêu oai oái! Không ngờ, tối nay trời đổi gió bấc, lại thốc ngược mùi vào cửa đầu hồi nhà cháu.
Ông Chẩn khảng khái:
- Anh sai rồi. Lẽ ra anh phải nói để người ta hiểu, chăn nuôi là quyền của mỗi gia đình, còn môi trường là của chung. Ai gây hại môi trường là trái pháp luật, nên khuyên giải người ta khắc phục, như làm bể biogas hoặc sử dụng thuốc khử mùi…
- Cháu nói rồi! Nhưng anh Thảnh bảo do vợ yếu, con thơ, thu nhập chỉ đủ lo bữa ăn, mua sữa cho con, có muốn cũng không lấy tiền đâu ra mà làm.
Ông Chẩn dịu giọng:
- Hàng xóm là quan trọng. Cháu có thể cho nhà ấy vay tiền, sau họ trả dần. Nếu nhà họ không thiện chí, cứ làm bừa thì mời trưởng thôn giải quyết. Đâu cũng có chính quyền. Mình phải báo cáo chứ.
Nghe ông chú khuyên, Lũng hiểu ra mọi điều. Ngay sáng hôm sau anh chủ động gặp nhà anh Thảnh bàn chuyện… Sau đó, không cần phải gặp trưởng thôn nữa mà mùi hôi cũng không còn. Lũng ngẫm nghĩ, việc khó đến mấy, nếu chân thành bảo nhau thì chuyện “sớm đèn tối lửa có nhau” chẳng bao giờ mất.
CÁT DŨNG