Theo Tổng cục Du lịch, ít nhất 35% công ty lữ hành quốc tế đã xin thu hồi giấy phép; 90-95% doanh nghiệp đóng cửa do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Đó là phát biểu của ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tại cuộc họp báo về Hội thảo du lịch năm 2021 "Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển" ở TP Vinh, Nghệ An.
Theo ông Khánh, đại dịch Covid-19 trong gần 2 năm qua đã khiến ngành du lịch và các ngành nghề khác chịu ảnh hưởng nặng nề.
“Đến nay, có khoảng 35% doanh nghiệp lữ hành trên tổng số 2.000 công ty kinh doanh lữ hành quốc tế đã xin thu hồi giấy phép, 90-95% doanh nghiệp lữ hành đóng cửa. Chỉ khoảng 5% còn lại hoạt động cầm chừng, nhân viên các công ty nghỉ việc hoặc làm việc không thường xuyên”, ông Khánh nói.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch phân tích khó khăn ngành du lịch thời gian qua
Theo thống kê sơ bộ, trong năm 2021, du lịch Việt Nam đón và phục vụ khoảng 40 triệu lượt khách du lịch nội địa, giảm 29% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng thu chỉ đạt 180.000 tỷ đồng, giảm 42% do với cùng kỳ năm 2020.
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", vào cuối tháng 11, ngành du lịch đã triển khai theo hình thức hộ chiếu vaccine đi theo chương trình thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam tại 5 địa phương: Phú Quốc, Quảng Nam, Đà Nẵng, Nha Trang và Quảng Ninh.
"Du khách đến Việt Nam có thẻ xanh tức đã tiêm đủ mũi vaccine phòng Covid-19 và có xét nghiệm PCR trong 72 giờ sẽ không bị cách ly. Họ được phục vụ nghỉ dưỡng theo tour khép kín, du lịch an toàn và đảm bảo 5K. Ước tính đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ đón khoảng 3.500 khách du lịch quốc tế theo hình thức này”, ông Khánh nói thêm.
Lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho biết mục tiêu trong năm 2022, ngành du lịch Việt Nam sẽ đón khoảng 65 triệu lượt khách du lịch (60 triệu lượt khách nội địa, 5 triệu lượt khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vaccine) với tổng thu dự kiến khoảng 400.000 tỷ đồng.
Ngành Du lịch cũng sẽ phát triển theo các giai đoạn, trong đó năm 2022-2023 là phục hồi, từ năm 2024 phát triển trở lại theo mục tiêu trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Ngoài việc phát triển du lịch, ngành chức năng còn đưa ra các chính sách hỗ trợ, phát triển, xây dựng lại cơ sở hạ tầng, phương tiện hoạt động du lịch đã xuống cấp rất nhiều trong thời gian qua do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Hội thảo du lịch năm 2021 với chủ đề Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển sẽ diễn ra tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An)
Phát biểu tại cuộc họp, ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nói rằng Hội thảo du lịch năm 2021 với chủ đề "Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển" nhằm đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với ngành du lịch, cũng như cơ hội và thách thức đặt ra đối với du lịch Việt Nam trong giai đoạn thích ứng mới.
Hội thảo sẽ có gần 100 tham luận, thảo luận để kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp tháo gỡ khó khăn hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; cung cấp thông tin để các đại biểu Quốc hội quyết định những chính sách đột phá nhằm phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện "bình thường mới".
Hội thảo Du lịch năm 2021 với chủ đề Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức vào ngày 25.12 tại thị xã Cửa Lò. Hội thảo được kết nối trực tuyến với các điểm cầu trên cả nước, trong đó có các địa phương trọng điểm về du lịch như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, Kiên Giang… Đây là sự kiện nằm trong chuỗi Hội thảo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức thường niên từ năm 2017. |
Theo Zing