Nhờ cao điểm Tết và tăng bay quốc tế, Vietnam Airlines, Vietjet đã báo lãi trở lại, còn Bamboo Airways cũng gần đạt điểm hoà vốn.
"Anh cả" ngành không trong nước Vietnam Airlines vừa ngắt mạch thua lỗ 12 quý liên tục từ khi Covid-19 xuất hiện. Theo báo cáo tài chính mới công bố, doanh thu quý I của Vietnam Airlines đạt 23.640 tỷ đồng, tăng gấp đôi cùng kỳ. Đây cũng là mức cao nhất từ đầu năm 2020 và tiệm cận mức trước dịch năm 2019.
Sau khi trừ các chi phí, hãng bay này ghi nhận lợi nhuận hợp nhất trước thuế quý I là 19,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 2.600 tỷ đồng. Đại diện Vietnam Airlines cho biết đạt được kết quả trên chủ yếu nhờ khai thác hiệu quả dịp Tết Âm lịch, thị trường quốc tế phục hồi, đặc biệt là Trung Quốc dần nới lỏng chính sách kiểm soát dịch bệnh. Tại các thị trường như Mỹ, châu Âu và Australia, hệ số sử dụng ghế cao. Vietnam Airlines đã phải tăng tải ở các giai đoạn cao điểm để phục vụ hành khách.
Tương tự, doanh thu hợp nhất 3 tháng đầu năm nay của Vietjet Air cũng xấp xỉ 12.900 tỷ đồng - mức cao nhất 12 quý gần đây của hãng. Trong đó, doanh thu từ thị trường quốc tế đã cải thiện, chiếm 45% tổng thu từ vận tải hành khách. Từ nửa cuối năm ngoái đến nay, Vietjet cũng là hãng bay trong nước tiên phong mở các đường bay mới Ấn Độ, Kazashtan và Australia.
Nhờ hoạt động kinh doanh phục hồi mạnh mẽ trong quý I, lợi nhuận của hãng bay này đã dương trở lại với khoản lãi trước thuế gần 243 tỷ đồng - gần bằng cùng kỳ 2022.
Cả quý đầu năm, Vietjet đã khai thác 31.300 chuyến bay, vận chuyển gần 5,4 triệu lượt hành khách, tăng lần lượt 57% và 75% so với quý I/2022. Còn lượng khách riêng công ty mẹ Vietnam Airlines vận chuyển cũng tăng 63% lên 5,1 triệu lượt.
Bên cạnh nhu cầu đi lại cao, doanh thu phục hồi, hiệu quả hoạt động kinh doanh của các hãng bay được cải thiện cũng một phần nhờ giá nhiên liệu hạ nhiệt. Quý cuối năm ngoái, cả Vietnam Airlines và Vietjet đều kinh doanh dưới giá vốn khi giá xăng Jet A1 cùng lãi suất neo cao. Riêng giá nhiên liệu bay năm ngoái có thời điểm vượt 160 USD một thùng và bình quân ở mức 130 USD.
Tuy nhiên, theo Vietnam Airlines, giá xăng Jet A1 bình quân 3 tháng đầu năm nay ở mức 110,69 USD mỗi thùng, thấp hơn 8,05 USD so với kế hoạch hãng đặt ra đầu năm. Tỷ giá USD/VND bình quân quý I cũng thấp hơn dự tính của Vietnam Airlines giúp hãng ghi nhận khoản lãi chênh lệch tỷ giá hơn 343 tỷ trong kỳ. Tương tự, Vietjet cũng lãi chênh lệch tỷ giá khoảng 146 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ 2022.
Bamboo Airways chưa công bố kết quả chi tiết. Tuy nhiên, tại phiên họp cổ đông bất thường hồi đầu tháng 4, Chủ tịch Bamboo Airways Nguyễn Ngọc Trọng cho biết hãng đã gần đạt điểm hoà vốn trong quý I/2023 khi đội tàu bay 30 chiếc hoạt động hết công suất. Người đứng đầu Bamboo Airways nói rằng hãng "sẽ lên khỏi mặt đất vào năm 2024 và có lãi từ năm 2025".
Thay vì phòng thủ, giữ hoặc thu hẹp quy mô để giảm chi phí như 3 năm vừa qua, các hãng cũng đang gấp rút lên kế hoạch bổ sung máy bay để phục vụ nhu cầu mở rộng mạng bay. Trong đó, Bamboo Airways dự kiến nhận thêm 6-8 tàu bay mới. Bamboo Airways đang làm việc với các đối tác tại Trung Quốc để mở các đường bay mới đến đây từ nay đến hết quý III. Đồng thời, hãng cũng tăng tần suất nhiều đường bay tới Đông Nam Á và Đông Bắc Á nửa cuối năm.
Vietravel Airlines cũng dự kiến nhận thêm 3 tàu bay để nâng quy mô đội bay lên 6 chiếc nhằm mở rộng khai thác thị trường quốc tế. Từ nay đến cuối năm, Vietjet Air sẽ nhận thêm loạt máy bay mới cả thân rộng và thân hẹp, tăng tổng đội bay lên 87 chiếc. Năm nay, hãng sẽ tiếp tục phát triển các đường bay mới đến thị trường Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Theo VnExpress