Hạn chế hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội

21/05/2012 09:40

Câu 4: Nguyên nhân nào dẫn đến những hạn chế, yếu kém của hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện nay?


Trả lời:

Hạn chế, yếu kém nêu trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu:

- Tư duy về phát triển kết cấu hạ tầng chậm đổi mới, chưa phù hợp với cơ chế thị trường; nguồn lực đầu tư vẫn chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, chưa huy động được nhiều nguồn lực ngoài nhà nước, chưa tạo được sự ủng hộ mạnh mẽ và chia sẻ trách nhiệm của toàn dân.

- Công tác quản lý nhà nước về đầu tư còn nhiều bất cập, hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, nhiều quy định chưa phù hợp; phân cấp mạnh, nhưng thiếu cơ chế giám sát và quản lý có hiệu quả.

- Chất lượng quy hoạch còn thấp, thiếu tính đồng bộ, bao quát, kết nối và tầm nhìn dài hạn; quản lý thực hiện quy hoạch còn yếu.

- Phân bổ nguồn lực dàn trải, chưa có kế hoạch phân bổ vốn trung và dài hạn để tập trung vào các công trình trọng điểm thiết yếu; chi phí đầu tư còn cao, hiệu quả thấp.

- Chưa có cơ chế, chính sách thích hợp để huy động tiềm năng và nguồn lực, nhất là đất đai cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.

- Thiếu chế tài, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm.

Câu 5: Để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, cần quán triệt các quan điểm gì?

Trả lời:

Một là, quy hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội phải hiện đại, đồng bộ trên phạm vi cả nước, từng ngành, từng vùng và từng địa phương, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; có phân kỳ đầu tư, ưu tiên những dự án quan trọng tạo sự đột phá và có tác động lan tỏa lớn để tập trung đầu tư. Tăng cường công tác quản lý trong khai thác sử dụng công trình.

Hai là, huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực của xã hội, bảo đảm lợi ích để thu hút các nhà đầu tư, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài vào phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội; đồng thời tiếp tục dành vốn nhà nước tập trung đầu tư vào các công trình thiết yếu, quan trọng, khó huy động các nguồn lực xã hội.

Ba là, phát triển kết cấu hạ tầng là sự nghiệp chung, vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ của toàn xã hội, mọi người dân đều có trách nhiệm tham gia đóng góp, trước hết là trong thực hiện chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng; bảo đảm lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư.

Bốn là, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phải kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh; thu hẹp khoảng cách vùng, miền; gắn với tiết kiệm đất canh tác, bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu.

(Nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương)

(0) Bình luận
Hạn chế hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội