Quốc gia bất ổn Haiti đã rúng động bởi vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise tại nhà riêng. Vụ ám sát trên đã đặt quốc gia Caribe này trước nguy cơ của một “vòng xoáy bạo lực” qui mô lớn.
Binh lính tuần tra trong khu phố Petion Ville của Port-au-Prince, Haiti, nơi cố Tổng thống Jovenel Moise sống trước khi ông bị ám sát tại nhà riêng
Quốc gia bất ổn
Haiti, quốc gia nghèo nhất Mỹ Latinh, đã đối mặt với tình trạng bất ổn an ninh, xã hội kéo dài suốt 18 năm qua với chia rẽ chính trị sâu sắc, khủng hoảng nhân đạo, tình trạng thiếu lương thực, nghèo đói triền miên. Bạo lực trên đường phố Haiti ngày càng tăng do tình trạng nghèo đói và bất ổn chính trị. Các vụ tranh giành giữa các băng đảng nhằm kiểm soát khu vực giao lộ huyết mạch phía Nam thủ đô Port-au-Prince đã trở nên gay gắt trong thời gian qua. Đặc biệt bệnh viện Delma 2, một trong số những cơ sở điều trị và chăm sóc bệnh nhân COVID-19 quy mô lớn hiếm hoi của nước này đã buộc phải đóng cửa do bị các băng đảng phong tỏa và tấn công, đe dọa tính mạng của các bệnh nhân và nhân viên y tế. Các cuộc xung đột vũ trang khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng, hàng chục nghìn người ở Port-au-Prince đã buộc phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Haiti. Hiện tại nhu cầu viện trợ khẩn cấp cho những người hiện đang phải tị nạn tại các không gian công cộng ngày càng tăng cao cùng tình trạng thiếu thốn những dịch vụ cơ bản thiết yếu nhất.
Ngoài khủng hoảng chính trị, bạo lực băng đảng, mất an ninh lương thực, khủng hoảng nhân đạo, các vụ bắt cóc đòi tiền chuộc nhằm vào dân thường, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gia tăng trong những tháng gần đây ở Haiti, trong khi lực lượng an ninh Haiti hầu như bất lực trước tình trạng cướp bóc tràn lan và đốt phá nhà cửa của các nhóm tội phạm.
Haiti cũng phải đối mặt với thiên tai tái diễn. Tình hình trở nên xấu đi trong những năm gần đây khi hạn hán và các cơn bão với cường độ mạnh xảy ra thường xuyên hơn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, trong khi các cuộc biểu tình phản đối chính phủ làm gián đoạn hoạt động kinh tế và làm giảm thu nhập vốn đã thấp của người dân nước này. Lạm phát tăng cao, thực phẩm và nhiên liệu trở nên khan hiếm khi 60% dân số trong tổng số 11 triệu dân ở Haiti kiếm được ít hơn 2 USD một ngày.
Trẻ em tại quốc đảo Caribe này cũng đang trở thành nạn nhân của tình trạng bạo lực gia tăng, thiếu tiếp cận các dịch vụ cung cấp dinh dưỡng và nước sạch, hiện tượng thời tiết cực đoan. Ngày 31.5, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo số trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cấp tính tại Haiti sẽ tăng gấp đôi trong năm nay lên 86.000 em so với 41.000 em của năm ngoái do đại dịch COVID-19 hoành hành cũng như tình trạng bạo lực liên quan tới các băng nhóm tội phạm và thời tiết cực đoan gây ra.
Tổng thống Moise bị ám sát
Rạng sáng 7.7 (giờ địa phương), đất nước Haiti rúng động bởi vụ ám sát Tổng thống Moise ngay tại nhà riêng. Ông đã tử vong ngay tại chỗ trong khi Đệ nhất phu nhân Martine Moise bị thương nặng và đang được điều trị tại bệnh viện.
Ông Moise, 53 tuổi, là một doanh nhân đến từ miền Bắc Haiti và là người thân thiết với cựu Tổng thống Michel Martelly. Hồi năm 2015, ông Martelly chỉ định ông Moise là ứng cử viên Tổng thống của đảng Haiti Teft Kale. Kết quả bỏ phiếu vòng đầu tiên với hơn 50 ứng viên cho thấy ông Moise nhận được 32,8% số phiếu. Với kết quả này ông Moise đủ điều kiện cạnh tranh trực tiếp với ứng viên về nhì Jude Ceslestin. Tuy nhiên, một cuộc thăm dò ý kiến cho thấy ông Moise chỉ nhận được 6% phiếu bầu. Ứng viên Ceslestin khi đó đã cáo buộc cuộc bầu cử bị gian lận. Hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình. Kết quả bỏ phiếu sau đó đã bị hủy bỏ vào tháng 6.2016. Thời điểm này, Haiti đang được lãnh đạo bởi Tổng thống lâm thời Jocelerme Privert.
Tháng 11.2016, chính quyền Haiti tổ chức bầu cử lại và ông Moise đắc cử Tổng thống với 55,67% số phiếu bầu. Ông Moise nhậm chức vào tháng 2.2017, trở thành Tổng thống thứ 58 của Haiti với nhiệm kỳ kéo dài 5 năm. Trước khi bị ám sát, Tổng thống Moise đã có một nhiệm kỳ đầy biến động. Ông phải đối mặt với cáo buộc tham nhũng trong cuộc điều tra về khoản tiền 2 tỷ USD viện trợ từ quỹ PetroCaribe của Venezuela và làn sóng biểu tình bạo lực chống chính phủ. Hồi đầu năm nay, ông Moise đã cáo buộc có một nhóm lên kế hoạch đảo chính muốn ám sát ông và khơi mào các cuộc biểu tình. Ông sau đó đã ra lệnh bắt giữ 23 người, bao gồm 1 thẩm phán tòa án tối cao và một quan chức cảnh sát cấp cao.
Trong thời gian đương nhiệm, ông Moise cũng đã ban hành một loạt các lệnh hành pháp, bao gồm quy định coi các cuộc biểu tình là hành động khủng bố, thúc đẩy một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi để thay đổi hiến pháp của Haiti bất chấp tuyên bố của các chuyên gia pháp lý Haiti rằng điều đó là bất hợp pháp.
Những tháng gần đây, phe đối lập phản đối việc Tổng thống Moise tiếp tục nắm quyền trong năm nay. Phe đối lập yêu cầu ông từ chức với lập luận nhiệm kỳ của ông đáng lẽ kết thúc từ ngày 7.2 vừa qua theo quy định của hiến pháp. Và dù nhiệm kỳ tổng thống là 5 năm, thì ông Moise cũng sẽ chỉ được nắm quyền 4 năm do năm đầu tiên của nhiệm kỳ đã được một tổng thống lâm thời đảm nhận, trong lúc tổ chức lại cuộc bầu cử. Tuy nhiên, ông Moise bác bỏ và lập luận rằng nhiệm kỳ của ông chính thức bắt đầu sau khi ông nhậm chức vào tháng 2.2017. Do đó, ông sẽ tiếp tục nắm quyền đến tháng 2.2022.
Nguy cơ bạo lực qui mô lớn
Phản ứng trước vụ ám sát, ngày 7.7, Thủ tướng lâm thời Haiti Claude Joseph cho rằng Tổng thống Jovenal Moise đã "bị ám sát một cách hèn hạ" nhưng những kẻ giết người "không thể giết chết tư tưởng của ông ấy". Thủ tướng lâm thời Joseph cũng nhấn mạnh hiện tình hình an ninh của đất nước đang nằm trong tầm kiểm soát của cảnh sát và quân đội đồng thời kêu gọi người dân Haiti "bình tĩnh".
Vài giờ sau khi Tổng thống Haiti Moise bị ám sát tại nhà riêng, Thủ tướng lâm thời nước này Joseph ban bố tình trạng thiết quân luật trên khắp cả nước và đóng cửa sân bay quốc tế ở thủ đô Port-au-Prince. Ông Joseph cũng công bố quyết định tổ chức cuộc họp hội đồng bộ trưởng bất thường để thảo luận về tình hình đất nước. Ông cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế mở cuộc điều tra về vụ ám sát và Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhóm họp về tình hình tại Haiti trong thời gian sớm nhất có thể.
Ngay sau vụ ám sát, nhiều lãnh đạo các nước Mỹ Latinh đã gửi lời chia buồn tới nhân dân Haiti, đồng thời cực lực lên án hành động "man rợ" này. Mỹ cam kết hợp tác với chính quyền của quốc gia Caribe này vì hòa bình và an ninh, trong khi Liên hợp quốc và Hội đồng châu Âu (EC), lên án vụ việc. Dự kiến, HĐBA LHQ sẽ có cuộc họp kín về vấn đề này trong ngày 8.7.
Chưa đầy 24 giờ sau khi ông Jovenel Moise bị ám sát tại nhà riêng, Thứ trưởng Truyền thông Haiti, ông Frantz Exantus, cho biết các lực lượng an ninh nước này đã bắt giữ "những kẻ được cho là hung thủ" thực hiện vụ ám sát. Tiếp đó, cảnh sát Haiti cho biết lực lượng chức năng đã tiêu diệt 4 đối tượng được cho là lính đánh thuê và bắt giữ hai đối tượng liên quan vụ ám sát Tổng thống Moise.
Các nhà quan sát quốc tế nhận định vụ ám sát Tổng thống Haiti Moise có thể khiến tình hình bất ổn tại quốc gia vùng Caribe này thêm nghiêm trọng. Trong bối cảnh tình hình chính trị và an ninh ở Haiti đang xấu đi và nước này dự kiến sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào cuối năm nay, diễn biến này có thể dẫn đến vòng xoáy bạo lực quy mô lớn. Dù Thủ tướng lâm thời Haiti Joseph khẳng định hiện tình hình an ninh của đất nước đang nằm trong tầm kiểm soát của lực lượng an ninh và quân đội, song các nhà quan sát quốc tế vẫn cảnh báo tình hình tại Haiti có thể sớm vượt khỏi tầm kiểm soát.
Theo TTXVN