Trải qua gần 15 năm hoạt động, Hội Văn học nghệ thuật Hải Dương đã xuất bản hai tập thơ tuyển.
Tập thứ nhất ghi lại chặng đường 5 năm đầu, rút những bài thơ in trong tạp chí Côn Sơn (cơ quan sáng tác, nghiên cứu, lý luận phê bình của hội), từ năm 1997 đến năm 2001, lấy nhan đề Côn Sơn- Truyện ngắn và thơ. Có 31 tác giả chọn mỗi người một bài, đăng từ số 1 của tạp chí trở đi. Như vậy, không xếp theo tên tác giả, thứ tự ABC. Tác giả không có dòng lý lịch trích ngang như các tuyển tập khác. Bù lại, mỗi người có một tấm ảnh chân dung. Tất cả rất cô đọng, được rút gọn dưới một mẫu số chung: người làm thơ ấy, chân dung ấy, bài thơ ấy. Có người từng được các giải thưởng thơ của tuần báo Văn nghệ, cơ quan của Hội Nhà văn Việt Nam (Mai Thanh Chương, Nguyễn Hữu Phách). Có người hiện diện cùng tác phẩm của mình như một lời nhắn nhủ, để rồi sau này mãi mãi đi xa: Mai Thanh Chương, Nguyễn Đình Phương, Nguyễn Ngọc Bội... Có người xuất hiện trên Côn Sơn, rồi bước tiếp những chặng đường mới, trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam như nhà thơ Hà Cừ... Chỉ chiếm 40 trang trong tuyển tập cả thơ và truyện (gần 300 trang), mảng thơ tuyển như những nét phác thảo cho bức tranh lớn, khúc nhạc dạo đầu của bản trường ca.
Chúng ta đều biết, tạp chí Côn Sơn có nhiệm vụ giới thiệu các sáng tác mới, các công trình nghiên cứu, sưu tầm, lý luận, phê bình, đóng góp vào nền văn học nghệ thuật chung của cả nước. Ủy ban Toàn quốc các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã đánh giá: Tạp chí Côn Sơn là một trong ba tạp chí có số lượng phát hành cao nhất so với các tạp chí văn nghệ trong cả nước. Số lượng phát hành được nhiều không chỉ để thu lại vốn, ý nghĩa của nó ở chỗ phát huy tác dụng phục vụ và mở rộng ảnh hưởng của tạp chí trong công chúng. Được đăng tải trên một tạp chí như vậy, rõ ràng mảng thơ đã góp phần mang dấu ấn tiêu biểu của văn học trong 5 năm đầu hoạt động của Hội Văn học nghệ thuật Hải Dương.
Tạp chí Côn Sơn là thành tựu một chặng đường và được đổi tên là tạp chí Văn nghệ Hải Dương. Vẫn giữ vững định hướng chính trị, tôn chỉ, mục đích, có kinh nghiệm từ tổ chức làm Côn Sơn, tạp chí Văn nghệ Hải Dương cùng với các ấn phẩm khác đã làm nên diện mạo của văn học nghệ thuật tỉnh ta. Một thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI đã đi qua, được coi như chặng đường thứ hai của tổ chức hội. Đánh dấu mốc son này, hội đã quyết định xuất bản hai tuyển tập; Thơ Hải Dương 2000- 2010 và Văn xuôi Hải Dương 2000 - 2010. Thơ không còn quá khiêm tốn nằm chung một tập với văn xuôi như lần trước. Đây là một tập sách bề thế, dày 275 trang, khổ 16x24cm, được trình bày trang trọng. Không phải mang xuất xứ từ tờ tạp chí của hội, những bài được chọn là thơ của các nhà thơ Hải Dương 10 năm qua. Đây là những gương mặt thơ, tác phẩm của họ là bức tranh tổng thể về thơ Hải Dương.
Nếu trong tuyển tập thơ trước đây chỉ có 31 tác giả với 31 bài, thì tuyển này có 43 người làm thơ với 202 bài thơ. Minh họa cho sức nặng của từng tác phẩm là bề dày thành tích của các tác giả: Họ đã xuất bản 155 tập thơ, tập truyện, tiểu thuyết, nghiên cứu, lý luận phê bình, nhiều tác phẩm được Giải thưởng Văn học nghệ thuật Côn Sơn tổ chức 5 năm một lần và giải thưởng hằng năm của Ủy ban Toàn quốc các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Họ còn tỏa sáng ở các mảng nghệ thuật khác như kịch bản phim tài liệu, phim truyện, tiểu thuyết, âm nhạc, hội họa... Trong các gương mặt, vẫn còn nguyên các cây bút chủ lực về thơ, số nhà thơ nữ đã nâng lên, từ 3 người tập trước lên 5 người trong tập này. Tất cả họ đều hứng thú chọn bài của mình cho tuyển tập, nên đôi chỗ còn bộc lộ cả những lóng ngóng đáng yêu... Một cách làm cũng khá mới của Ban Biên tập, đó là việc ghi tên tác giả. Tất cả đều theo thứ tự ABC như thông lệ. Có cả phần trích ngang lý lịch, các thành tựu sáng tác. Chỉ không có ảnh chân dung. Không sao, thiếu ảnh chân dung nhà thơ, nhưng hồn cốt họ đã nằm trên từng dòng, từng chữ... Có điều là tên tác giả được Ban Biên tập lấy từ sơ yếu lý lịch hội viên. Cho nên, có bút danh đã quen tai, quen mắt, đến tuyển thơ này đôi lúc phải ngỡ ngàng về một dòng tên là lạ, phải suy nghĩ rồi thì mới gật gù nhận ra là chính họ. Một Thi Nguyên, đã có 2 tập thơ chững chạc được xuất bản (có tập được giải thưởng của Ủy ban Toàn quốc các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam); nếu để nguyên bút danh đó vào in thì sẽ nằm ở giữa cuốn sách, nay lại được ghi đầy đủ là Nguyễn Thị Mai Anh (tên khai sinh) lại là người mở đầu cho cả tập thơ. Tác giả Thanh Dạ vốn được quen biết đã lâu, nay trở về tên gốc của mình: Nguyễn Duy Dự. Các cây bút văn xuôi làm thơ Văn Duy, Cao Vinh được trao thêm họ Phạm cho đầy đủ. Còn Nguyễn Huy, Phạm Ràm thì được bổ sung tên đệm (Nguyễn Quang Huy, Phạm Đắc Ràm). Trộm vía cố thi sĩ Phù Thăng, nếu ông có thơ trong khoảng mười năm qua đưa vào tuyển tập, chắc hẳn tên ông sẽ là nhà thơ... Phù Thăng đọc ngược (!).
Trên đây chỉ là đôi điều cảm nhận ban đầu về mặt hình thức tuyển tập.
Thơ Hải Dương đang tự khẳng định trên văn đàn. Từ đó có thể nghiên cứu các bình diện khác: diện mạo, xu thế thơ, nét đặc sắc cũng như sở trường, sở đoản, những vấn đề về đổi mới thi ca nằm trong dòng chảy văn học lớn lao của cả dân tộc. Những nội dung này xin được nhường cho các bài nghiên cứu công phu khác.
NGUYỄN HỮU PHÁCH