Một buổi đầu đêm yên ả dưới vầng trăng xanh, chàng trai tâm sự với người yêu, tuy ở cách xa nhưng họ vẫn nhận ra nhau.
Hai nửa vầng trăng |
Một buổi đầu đêm yên ả dưới vầng trăng xanh, chàng trai tâm sự với người yêu, tuy ở cách xa nhưng họ vẫn nhận ra nhau. Vầng trăng biểu tượng của tình yêu lại như nhân vật thứ ba truyền tin giữa hai người. Giây phút tình cờ kỷ niệm ùa về say đắm. Nhận ra giới hạn số phận mình, chàng thổ lộ tất cả, lời thơ tâm tình cùng không ít những ngậm ngùi: “Trăng đầu tháng như đời anh chẳng thể nào khác được/Trăng cuối tháng như đời anh hao khuyết". Có khát vọng sống song định mệnh chặn đứng, chàng trai càng trân trọng tình yêu cùng những nếm trải nỗi đời: “Từng giọt trăng tan vào anh mặn chát". Tiếp đấy những dòng thơ ngắn lại và như nấc lên. “Em đã khóc" nhắc lại hai lần, người yêu cảm thông chia sẻ, những giọt nước mắt đẹp của tình yêu vượt lên trên định mệnh. Và đến lượt người đọc đồng cảm với họ, trân trọng những gì họ có, tiếc nhiều với người trai tài hoa lặng lẽ làm việc, ham cống hiến… Hình ảnh đẹp khiêm nhường khi thi sĩ nói về mình: “Tên anh như nửa trăng mờ tỏ/ Ai bỏ quên lặng lẽ sáng bên trời". Ai bỏ quên? Số phận hay chính cuộc đời? Tạo hóa ác thay người tài hoa thường hay mệnh bạc!
Lay động và lan tỏa, cảm xúc ấy nói bằng giọng điệu ấy chứ không thể bằng một giọng điệu nào khác. Có gì hơi hướng chất thơ truyền thống nhưng vẫn là thơ tự do, câu dài ngắn co duỗi tự nhiên, nhịp thơ tự sự tâm tình lại cùng liên tưởng với những hình ảnh đẹp, man mác cổ điển lại vừa hiện đại. Từng câu thơ giản dị mà tinh luyện được rút ra từ sự chân thực của cảm xúc. Ngòi bút thi nhân vượt lên qua sức kéo níu vần điệu, cái chất nhạc du dương của tâm hồn được hiệp vần càng trở nên đắc địa, có khi như trúc trắc hóa ra là chủ ý của nghệ thuật: “Ơi vầng trăng theo con nước đầy vơi/ Trăng say đắm dào lên cỏ ướt/ Trăng đầu tháng như đời anh chẳng thể nào khác được/ Trăng cuối tháng như đời anh hao khuyết". Nhịp thơ như hẫng hụt hay chính cuộc đời nhà thơ hụt hẫng…
“Nhưng trăng sẽ tròn đầy trăng sẽ". Họ đã yêu và tri kỷ mới có được lời tâm sự như thế. Đó là một tình yêu lớn, tự tin. Hình ảnh hai nửa vầng trăng được so sánh với tâm hồn họ trở thành tứ thơ lớn xuyên suốt thi phẩm. Thủ pháp ẩn dụ có nhiều biến hóa, một vẻ đẹp đã được chưng cất lâu năm trong tâm hồn thi sĩ, một vẻ đẹp của ý vị triết hòa trong tư duy cảm xúc nghệ thuật. Một không gian nghệ thuật rộng, gam màu thanh nhẹ mơ hồ cái đẹp của hội họa, đặc biệt là hình ảnh vầng trăng được khai thác độc đáo vừa sáng trong hiền dịu vừa thấm thía tình người.
Bài thơ chứa đựng tâm trạng ngậm ngùi của những giọt nước mắt tình yêu nhưng không rơi vào bi lụy, hồn thơ ánh lên một niềm tin yêu ở trái tim con người. Thể xác tan vào cát bụi nhưng ký ức tình yêu, sự đồng cảm tri âm tri kỷ sẽ còn lại mãi: “Trăng viên mãn cuối trời đêm đêm em có nhớ/ Mặt trăng từng khuất nửa ở trong nhau". Bỗng nhớ đến câu nói: “Thơ thiên về nước mắt" - giọt nước mắt ấy làm cho con người tin yêu hy vọng và cao cả hơn lên. Xét ở góc độ triết học, cái thời chưa hoàn thành mới là cái đang nảy nở lan tỏa năng lượng, vả chăng với nghệ thuật cũng như vậy. Và câu thơ của thi sĩ Hồ Dzếnh: “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở" minh chứng cho điều này. Hai nửa vầng trăng là một số phận tình yêu thiên mệnh cản trở, bất toàn, được nói bằng cảm xúc nghệ thuật từ con tim cõi lòng làm cho ta thương cảm khôn cùng.
Hoàng Hữu tên thật là Nguyễn Hữu Dũng (1945-1981), là họa sĩ, nhà thơ, công tác tại Hội Văn nghệ Vĩnh Phú (nay là Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc). Là nghệ sĩ tài hoa, nhưng mắc phải bệnh tim bẩm sinh. Biết hạn chế của số phận, anh trân quý cuộc sống, ham làm việc và cống hiến. Bài thơ "Hai nửa vầng trăng" viết đầu năm 1981, đã gửi dự thi thơ ngay sau đó do Báo Văn nghệ tổ chức. Cuối năm 1981, Hoàng Hữu qua đời. Bài thơ được trao giải nhì vào năm 1982. Nhà thơ Xuân Diệu trong Ban giám khảo có nói: "Bài thơ chỉ ở giải nhì nhưng sẽ có sức sống rất lâu bền". Quả vậy, "Hai nửa vầng trăng" đã trở thành một trong những bài thơ tình yêu hay nhất trong nền thi ca Việt Nam.
NGUYỄN VIỆT THANH