Từ nỗi sợ bản thân từng trải qua, Tâm và Nhã đã nghiên cứu sâu về chứng Sophophobia (sợ học) để chỉ ra nguyên nhân.
"Tiếng chuông là báo hiệu đến một giờ học, giờ tiếp thu kiến thức mới mẻ và thú vị. Nhưng với nhiều học sinh, tiếng chuông đó báo động sắp phải đối mặt với nguy cơ nào đó", Lê Huỳnh Mai Tâm và Lê Thanh Nhã mở đầu bài thuyết trình về Sophophobia - hội chứng sợ học, tại vòng thi chung khảo "Tri thức trẻ vì giáo dục" diễn ra chiều 9.11. Hai em khẳng định không còn sợ khi nghe tiếng chuông vào lớp nữa sau một năm nghiên cứu hội chứng này.
Lê Huỳnh Mai Tâm (phải) và Lê Thanh Nhã thuyết trình về hội chứng Sophophobia tại vòng chung khảo Tri thức trẻ vì giáo dục diễn ra chiều 9.11. Ảnh: Dương Tâm |
Là học sinh lớp 12 trường THPT Trần Khai Nguyên (TP Hồ Chí Minh), cả Tâm và Nhã từng có cảm giác sợ học, nhất là thời gian đầu cấp 3. Hỏi thăm các bạn, thấy nhiều người giống mình, hai em bắt đầu tìm hiểu nguyên nhân. Thấy chứng sợ học có tên và cơ sở khoa học, cả hai quyết định kết hợp nghiên cứu sâu và tìm kiếm giải pháp để giúp việc học trở nên nhẹ nhàng hơn.
Khảo sát hơn 1.040 học sinh của 11 trường THPT trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Tâm và Nhã giật mình trước tỷ lệ 65% cho biết có gặp phải chứng Sophophobia nhưng tới 67% hoàn toàn chưa biết tới hội chứng này. Trong số người sợ học, 21% là học sinh học lực giỏi, 37% học lực khá.
Điều này phản ánh hai thực tế. Thứ nhất, học sinh THPT chưa có sự quan tâm đúng mức tới vấn đề này. Thứ hai, không phải chỉ học sinh yếu kém mới sợ học. "Kết quả khảo sát đã thôi thúc chúng em làm sâu đề tài nghiên cứu khoa học về Sophophobia nhằm đem đến cho mọi người hiểu biết nhất định", Tâm chia sẻ.
Nguyên nhân và hậu quả của chứng sợ học
Từ quá trình tìm hiểu và khảo sát, Tâm và Nhã chỉ ra một số nguyên nhân khiến học sinh sợ học, trong đó mất động lực chiếm tỷ lệ cao nhất, sau đó đến áp lực điểm số và nghĩ rằng bản thân không có khả năng học môn nào đó do luyện tập nhiều mà không thấy tiến triển hay từ bé đã bị nói là không thể học tốt.
Sợ học cũng có thể xuất hiện khi học sinh bị ảnh hưởng bởi lời nhận xét của người khác; khi có quá nhiều áp lực, tự đặt quá nhiều kỳ vọng vào thành tích, sợ thất bại, sợ thua kém bạn bè.
Ngoài ra, có một số nguyên nhân khách quan dẫn đến sợ học như ám ảnh hay sang chấn tâm lý từ bé vì bị trách mắng, phạt khi học kém, hoặc có những ký ức không đẹp với thứ gắn liền với môn học trong quá khứ; hay do áp lực từ nhà trường, giáo viên.
"Chương trình học ngày càng nặng, học sinh chúng em phải học cả ngày ở trường rồi học thêm và đến khi về nhà rồi lại phải hoàn thành bài tập. Học chiếm quá nhiều thời gian. Nhưng nếu chỉ học ở trường, chúng em khó đáp ứng được lượng kiến thức cho các bài kiểm tra hay thi cử, đặc biệt ở kỳ thi THPT quốc gia tổng hợp kiến thức cả lớp 11 và 12", Nhã nói và cho rằng đó là ví dụ cho nguyên nhân khách quan khiến học sinh sợ học.
Bìa cuốn Cẩm nang Sophophobia do Tâm và Nhã thực hiện. Ảnh: Dương Tâm |
Theo nghiên cứu của Tâm và Nhã, có bốn biểu hiện phổ biến ở một học sinh mắc chứng này. Thứ nhất là luôn né tránh khi có người nhắc đến môn học, hay lảng tránh việc học bài môn đó. Thứ hai là não bộ tê liệt hay luôn "biến mất" khi đến tiết học, nguyên nhân là khi căng thẳng máu dồn về tứ chi dẫn đến hiện tượng "cháy não". Thứ ba là có những biểu hiện tiêu cực như sợ hãi, khó thở, đổ mồ hôi tay. Và cuối cùng là run rẩy, thậm chí sợ cả giáo viên môn học đó.
Khi mắc hội chứng này, học sinh bị ảnh hưởng tiêu cực. Nó gây chán ăn, đau đầu, khó thở và nhiều ảnh hưởng khác về thể chất. Sophophobia khiến học sinh bị stress nặng nề, gây bất lợi cho việc tiếp thu và ghi nhớ kiến thức của học sinh. Sophophobia cũng khiến học sinh có nhiều hành vi tiêu cực như nói xấu giáo viên, bỏ học...
Phát hành cẩm nang nhận diện chứng sợ học
Tâm và Nhã cho rằng cả giáo viên, phụ huynh và học sinh cần có sự tìm hiểu kỹ càng về hội chứng Sophophobia, từ đó có sự điều chỉnh thích hợp giúp học sinh chuyển biến tích cực trong việc học. Từ những nguyên nhân cụ thể, mọi người có thể đưa ra phương pháp cải thiện.
Hai em đã tự lên ý tưởng nội dung và thiết kế ra cuốn Cẩm nang Sophophobia dành cho giáo viên, phụ huynh và học sinh. Cuốn cẩm nang chỉ rõ định nghĩa Sophophobia, biểu hiện, một số mẹo nhỏ để vượt qua nỗi sợ và cả trắc nghiệm tính cách nhằm giúp người đọc tự tìm phương pháp riêng cho bản thân.
Tâm cho biết cuốn cẩm nang được các em tự thực hiện từ thiết kế hình vẽ đến nội dung. Các em đã nhờ chuyên viên tâm lý của trường và giảng viên ngành Tâm lý học của Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh thẩm định, góp ý. "Chúng em đã cho nhiều bạn tiếp cận với cuốn cẩm nang này và tất cả đều để lại phản hồi rất tích cực. Nhiều chuyên viên tâm lý của các trường đã xin chúng em cuốn cẩm nang để phổ biến về hội chứng Sophophobia cho học sinh", Tâm thông tin.
Cuốn cẩm nang được thể hiện dưới dạng tranh vẽ kèm minh họa nội dung. Ảnh: Dương Tâm |
Ngoài cuốn cẩm nang, Tâm và Nhã còn lập ra câu lạc bộ và fanpage SOPHO Trần Khai Nguyên và sắp tới là website nhằm phổ biến kiến thức về hội chứng sợ học nhằm kết nối những nhà tâm lý học, giáo viên, phụ huynh và học sinh để cùng nhau giải quyết vấn đề.
Cứ hai tuần một lần, Tâm và Nhã lại tổ chức một buổi sinh hoạt câu lạc bộ nhằm chia sẻ kiến thức sâu hơn về hội chứng Sophophobia, tạo diễn đàn học tập cho học sinh. Đến nay, đã có hàng nghìn học sinh THPT tiếp cận với kiến thức do Tâm và Nhã cung cấp.
Là ban giám khảo của chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2018, ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ đánh giá cao đề tài nghiên cứu của Tâm và Nhã vì sợ học là vấn đề phổ biến ở học sinh nhưng không phải ai cũng hiểu và chia sẻ được. Giám khảo chương trình hy vọng hai em tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, hoàn thiện cuốn cẩm nang hơn nữa để có thể xuất bản, phát hành rộng rãi.
Ngày 9.11, tại trụ sở Trung ương Đoàn tại Hà Nội, chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2018 tổ chức vòng thi chung khảo nhằm lựa chọn ra tối đa 5 công trình xuất sắc để trao giải 100 triệu đồng/công trình. Các công trình, sáng kiến được lựa chọn thuộc ba nhóm nội dung, gồm: đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập; sáng chế công cụ phục vụ giảng dạy và học tập, nghiên cứu; nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục.
Nghiên cứu về hội chứng sợ học - Sophophobia của hai học sinh Lê Huỳnh Mai Tâm và Lê Thanh Nhã là một trong 15 công trình lọt vào chung khảo. Kết quả cuối cùng sẽ được công bố trong lễ trao giải diễn ra tối 11.11.
DƯƠNG TÂM (VnExpress)