Xã hội hóa dịch vụ y tế đã được triển khai thực hiện tại nhiều bệnh viện trong tỉnh. Ngoài những mặt tích cực thì vẫn còn nhiều hạn chế, lo ngại.
Bệnh nhân được điều trị bằng trang thiết bị máy móc đầu tư từ nguồn xã hội hóa tại Bệnh viện Đa khoa huyện Gia Lộc
Gỡ khó cho bệnh việnThời gian qua, các bệnh viện trong tỉnh đã không ngừng đầu tư mua sắm trang thiết bị mới để áp dụng các thành quả của khoa học kỹ thuật và phát triển các kỹ thuật y tế tiên tiến phục vụ nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe ngày càng cao của người dân. Trong khi nguồn ngân sách hạn hẹp thì việc huy động xã hội hóa (XHH) để mua sắm máy móc, trang thiết bị y tế đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của nhiều bệnh viện.
Theo ông Phạm Văn Huấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, khoảng 70% số máy móc, trang thiết bị y tế của bệnh viện được huy động từ nguồn vốn XHH. Từ năm 2012, Bệnh viện Phụ sản tỉnh cũng bắt đầu huy động nguồn vốn XHH để mua sắm các máy móc, trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh. Bà Nguyễn Thị Lan, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản tỉnh cho biết nhờ đầu tư nâng cấp một số trang thiết bị y tế kỹ thuật cao, hiện đại nên quy trình khám, điều trị cho người bệnh nhanh hơn, chất lượng hơn. "Việc này cũng giúp tăng thêm nguồn thu cho bệnh viện, có thêm kinh phí để bảo dưỡng, mua sắm trang thiết bị y tế hiện đại và tăng thu nhập cho cán bộ, nhân viên bệnh viện", bà Lan nói.
Theo Sở Y tế, hiện nay toàn tỉnh có 18 bệnh viện thực hiện các dịch vụ XHH y tế. 3 bệnh viện còn lại chưa thực hiện XHH gồm Bệnh viện Phong Chí Linh, Bệnh viện Tâm thần Hải Dương và Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. Nguyên nhân do đây là 3 bệnh viện chuyên khoa đặc thù và cơ bản đã có đủ phương tiện, trang thiết bị, máy móc để phục vụ việc khám chữa bệnh, trong khi số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị không nhiều.
Lạm dụng xét nghiệmXã hội hóa dịch vụ y tế nếu không tương xứng với nhu cầu, trình độ nhân lực vận hành máy móc dễ dẫn đến hoạt động không hiệu quả, gây ra lãng phí.
|
|
Chỉ vào cuộc khi nhìn thấy lợi nhuận nên các nhà đầu tư thường chú trọng đến các bệnh viện tuyến tỉnh để nhanh chóng thu hồi vốn, đặc biệt tập trung vào các lĩnh vực như siêu âm, chụp X-quang, cộng hưởng từ... Còn các bệnh viện tuyến huyện hầu như chưa huy động được nhiều nguồn XHH để đầu tư, mua sắm trang thiết bị. Hạn chế này khiến người dân càng ít tin tưởng vào chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến dưới, mà chỉ tìm mọi cách lên tuyến tỉnh hoặc Trung ương khiến tình trạng quá tải ngày càng trầm trọng. Mặt khác, nếu người bệnh không có điều kiện kinh tế sẽ khó tiếp cận với các dịch vụ, trang thiết bị y tế hiện đại.
Theo báo cáo tình hình sử dụng quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) 6 tháng đầu năm 2017 của Bảo hiểm Xã hội tỉnh thì những nguyên nhân gia tăng chi phí khám chữa bệnh BHYT là lạm dụng xét nghiệm, chiếu chụp, siêu âm (ví dụ đau răng, đau mắt, bệnh da liễu lại được chỉ định siêu âm ổ bụng). Một số đơn vị y tế kê thêm nhiều giường bệnh ngoài số lượng giường đã được duyệt. Một số cơ sở y tế nhận nhiều bệnh nhân vào điều trị nội trú. Bệnh nhân vừa mới xuất viện sau đó được nhập viện trở lại chỉ sau 2 - 3 ngày với chẩn đoán tương tự như lần nhập viện trước, nhưng vẫn được chỉ định xét nghiệm, chiếu chụp, siêu âm đầy đủ như một bệnh nhân đến khám chữa bệnh lần đầu với lý do thực hiện "quy chế bệnh án" của ngành y tế. XHH dịch vụ y tế là cần thiết nhưng nó chỉ thực sự có hiệu quả khi người đầu tư, sử dụng máy hay có quyền chỉ định xét nghiệm, chụp chiếu tách bạch về quyền lợi.
Qua kết quả giám định chi phí khám chữa bệnh BHYT quý II năm 2017 của Bảo hiểm Xã hội tỉnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho thấy một số dịch vụ kỹ thuật thực hiện trên máy XHH như hệ thống chụp MRI, hệ thống máy cấy máu, máy điện giải đồ, máy xét nghiệm nước tiểu... không đủ căn cứ pháp lý để thanh toán BHYT.
Ông Phạm Văn Tám, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: "XHH dịch vụ y tế nếu không tương xứng với nhu cầu, trình độ nhân lực vận hành máy móc dễ dẫn đến hoạt động không hiệu quả, gây ra lãng phí". Ngành y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế khi triển khai XHH cần thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 15/TT-BYT ngày 12.12.2007 của Bộ Y tế về "Hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ của các cơ sở y tế công lập". Đồng thời các đơn vị trong ngành phải nắm vững các quy định có liên quan đến thẩm quyền thuộc các bộ, ngành khác như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế. Việc thực hiện quy trình mua sắm, quản lý, sử dụng trang thiết bị máy móc, bảo đảm nguồn gốc xuất xứ cũng cần được quan tâm hơn nữa nhằm hài hòa quyền lợi của người dân, người bệnh và nhà đầu tư.
HUYỀN TRANG
Theo Thông tư số 15/2007/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ của các cơ sở y tế công lập, trang thiết bị để triển khai các kỹ thuật phải phù hợp với tuyến chuyên môn kỹ thuật của đơn vị. Những thiết bị để triển khai các kỹ thuật vượt quá phạm vi quy định của tuyến chuyên môn kỹ thuật, đơn vị phải trình lên cơ quan quản lý cấp trên thẩm định và phê duyệt theo quy định phân tuyến kỹ thuật và danh mục kỹ thuật trong khám chữa bệnh được ban hành kèm theo Quyết định số 23/2005/QĐ-BYT ngày 30.8.2005 của Bộ Y tế. Việc sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh phải bảo đảm hiệu quả kinh tế; bảo đảm nguyên tắc kết hợp hài hòa lợi ích giữa đơn vị, người bệnh và các bên đối tác. Các đơn vị có trách nhiệm niêm yết công khai danh mục và mức thu của các dịch vụ từ các hoạt động liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh để người bệnh biết, lựa chọn. Nghiêm cấm các đơn vị gợi ý, ép buộc người bệnh sử dụng các dịch vụ kỹ thuật y tế bằng thiết bị liên doanh, liên kết trong khi tại đơn vị có loại thiết bị đó và còn đủ khả năng đáp ứng...
|