Tiền là một vật chất đặc biệt được quy ước, quy đổi những giá trị vật chất ngang giá. Trong lịch sử phát triển của loài người, khi đồng tiền ra đời, chúng ta gặp khá nhiều những chuyện kể, những ca dao, hò vè, tục ngữ phản ánh khá sinh động và nhiều vẻ của nó ở nhiều mối quan hệ trước đời sống xã hội.
Nói về đồng tiền với vai trò hiện diện như sức mạnh vạn năng, tục ngữ xưa có câu: "Mạnh vì gạo, bạo vì tiền", "Có tiền mua tiên cũng được". Hoặc, ở thành ngữ mới, công chúng lại quen nghe những câu: "Tiền là Tiên là Phật, là sức bật của lò xo, là thước đo của lòng người, là tiếng cười của chân lý...".
Có một nét khá lý thú là, trong Truyện Kiều, một kiệt tác của đại thi hào Nguyễn Du, với 220 câu kể việc, 2.464 câu phẩm bình, nghĩ ngợi và triết thuyết, vị thi sĩ họ Nguyễn này đã 17 lần tập trung vào đồng tiền để khai thác nhiều khía cạnh ở hai mặt đẹp đẽ và xấu xa được phát lộ từ ấy.
Chứng minh cái thế lực to lớn và ghê sợ của đồng tiền khi gia đình Kiều bị gieo tai họa, bọn công sai xông vào nhà phá phách, Nguyễn Du đã kêu lên: "Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền". Rồi, để cứu Vương Ông khỏi bị bắt bớ, giam cầm, đây là cái bàng hoàng trước sự đánh giá về sự kiện qua việc đánh đổi như một vật ngang giá: "Có ba trăm lạng việc này mới xuôi".
Trong tình cảnh phải bán mình chuộc cha, thân phận nàng Kiều đã hóa thành hàng hóa "cò kè bớt một thêm hai", để rồi ngã giá "vàng ngoài bốn trăm". Với sắc đẹp nghiêng nước, nghiêng thành, Kiều đã thành món hàng mua đi bán lại. Mã Giám Sinh, kẻ "mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao..." đã trù tính: "Về đây nước trước bẻ hoa". Và hắn sẽ có được khoản tiền lời lớn: "Hẳn ba trăm lạng kém đâu"... Khi Thúc Sinh "sớm đào, tối mận..." đã dùng tiền để chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh thì Bạc Hạnh lại đem Kiều đi bán. Vẫn là đồng tiền khi với món hời hoa mắt thì: "Mối hàng một đã ra mười thì buông"...
Lần thứ hai, Từ Hải, người anh hùng "chọc trời khuấy nước"... lại phải dùng đồng tiền để chuộc Kiều với giá: "Tiền trăm lại cứ nguyên ngân phát hoàn".
Với ý nghĩa xấu xa như thế, đồng tiền đã tác oai, tác quái, biến con người trở thành hiểm độc, đổi trắng thay đen. Có tiền, kẻ lưu manh, bỉ ổi có thể hưởng mọi lạc thú ghê tởm nhất trên đời, để rồi: "Trăm ngàn đổ một trận cười như không...". Và, Sở Khanh lừa bịp Kiều chỉ vì: "Có ba mươi lạng trao tay". Khi rời khỏi nhà Hoạn Thư, Thúy Kiều cũng đã liều tính mà lấy mang đi những đồ vàng bạc để "bên mình dắt để hộ thân"...
Mô tả đồng tiền với sự bộc lộ ở nhiều bóng dáng quay cuồng như vậy, Nguyễn Du đã kêu lên: "Trong tay đã sẵn đồng tiền/Dẫu rằng đổi trắng thay đen khó gì".
Thi hào Nguyễn Du là viên quan ở thời đại phong kiến, bị Nho giáo chi phối, ràng buộc rất lớn ở nhân nghĩa, đạo đức. Nho giáo không chống lại giàu sang nhưng lại quan niệm rằng, nếu có được sự giàu sang thì phải từ học vấn, đỗ đạt, từ địa vị quan chức nơi "mũ áo cân đai, nơi yêu kim, ý tử...". Còn không thì yên phận chịu lấy cảnh nghèo. Bởi vậy, ý thức của lớp người tự gọi là "quân tử" thường xem người hoạt động thương nghiệp là gian thương, là buôn gian, bán lận. Kẻ đi buôn là kẻ "ăn gian, nói dối". Thuở xa, cộng đồng nông thôn ghét thương nghiệp. Tuy nhiên, ở Truyện Kiều, với 17 lần bóng dáng đồng tiền xuất hiện, Nguyễn Du cũng tô đậm một vẻ đẹp ở một phía nhìn nhận: "Nghìn vàng gọi chút lễ thường"... Đấy là lúc Kiều biểu hiện tấm lòng với Giác Duyên khi báo ân, báo oán. Hoặc với Thúc Sinh, qua vật chất để ghi nhận tấm tình người tri kỷ: "Gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân". Hoặc với Kim Trọng, đồng tiền trong ý nghĩa đẹp của năm tháng lứa đôi: "Biết bao công mướn, của thuê/Lâm thanh mấy độ đi về dặm khơi".
Không hoàn toàn chịu ảnh hưởng Nho giáo hay Phật giáo, cũng như lớp nhà nho tài tử trong thời đại ông sống, thi hào Nguyễn Du đã thấy rõ sức mạnh hai mặt của đồng tiền, đặc biệt là mặt trái của đồng tiền thật là khốc liệt.
VĨNH KIM