Hai lần lên Điện Biên

06/05/2012 09:51



Làng xóm lao xao chuyện bà Mây lên Điện Biên Phủ, kể cả thằng con ở Vũng Tàu không ra, chỉ một mình, bà cũng nhất định đi. Có người còn bảo, cái anh con trong Vũng Tàu hình như không phải con của ông Thời với bà Mây đâu. Thì rõ quá, còn hình như gì nữa. Một bà cả quyết. Chính bà Mây hồi chuyển từ phố về ở làng đã có lần nói, số em vất vả, có con với bố thằng Vinh nhưng có được một đêm ăn nằm với nhau. Ơ, rõ là rắc rối vợ chồng nhà ông này. Nhưng cũng mãi ngày lên đường mọi chuyện mới vỡ lẽ.

Trước ngày lên đường, ông bà làm mâm cơm thắp hương tiên tổ. Vì anh con trai đang làm dầu khí trong Vũng Tàu chưa ra kịp để đưa mẹ đi Điện Biên, ông Thời phải nhờ cô em gái đang ở phố về trông nhà hộ mấy hôm. Ông anh có lời thì cô em phải hộ, chứ bụng bà Vận còn như mối tơ vò về cái đôi vợ chồng già mà chính bà là người thay mặt họ nhà trai đến Viện quân y 7 cưới vợ cho ông anh. Khi ấy, bà Vận cũng được ông Thời cho biết, cô ấy có một đời chồng, nhưng hy sinh ngoài mặt trận, được một đứa con trai. Mà thôi, con người ta có số cả...

Đấy là chuyện vài mươi năm trước. Còn bây giờ, anh ra tận phố bảo: "Cô về trông nhà hộ mấy hôm để anh đưa chị lên Điện Biên". Cô em hỏi lên làm gì, tham quan du lịch thì sao không đưa chị ra Hạ Long cho gần, mà lên mãi Điện Biên cho tốn tiền, mệt người. Anh chỉ khì khì cười: "Nói như cô thì còn gì là tình xưa nghĩa cũ. Thôi, cô có về trông nhà hộ anh hay không, thì bảo". "Nói thế, em nào không về". Nhưng giờ có chị đây, ba mặt một lời em hỏi thật, lời anh Thời nói với em hôm kia ở phố là thật hay bỡn. Chị cứ nói, dù bỡn hay thật, em đã về là thể nào cũng trông nhà cho anh chị đi. Nhưng em phải biết, con cháu em rồi chúng cũng phải biết, những người anh, người chị, và xa nữa là ông cha chúng đã trải qua những tháng năm như thế nào chứ. Chẳng lẽ anh chị trao cho em trông nom cơ ngơi nhà cửa rộng thế này mà em lại không biết tý gì về những người dựng xây nên nó hay sao". Thôi thôi, cô đừng nói nữa. Bà chị dâu vội chen lời cô em chồng. Thư thả rồi tôi kể cho cô và mấy bá nghe.

*

Hồi ấy, vùng tôi bị giặc chiếm, nhưng đồn bốt còn thưa, lại chưa bị càn quét ác liệt như những năm sau này. Nên những đêm trăng sáng, chúng tôi vẫn kéo nhau sang làng Vân xem hát chèo. Làng Vân có phường chèo chẳng biết từ bao giờ, nhưng khi chúng tôi lớn, cứ nghe tiếng trống chèo rung bung là ù té chạy như ma đuổi sang bên ấy xem hát chèo. Một tối, tôi đang cùng mấy đứa trong ngõ chạy ra, bất thần có người túm chặt cổ tay kéo lại. Linh tính mách người kéo tay là ai, tôi không kêu, chỉ lẳng lặng dừng chân. Nhưng người ấy vội đưa tay bịt mồm, sợ tôi kêu. Sợ gì cơ chứ. Dễ chúng nó không có ai đấy hẳn. Tôi vừa thì thầm, thì Quang đã vội kéo tôi đứng nép vào gốc khóm tre bên đường. Tôi rụt tay lại, gắt: "Làm gì mà kéo người ta thế. Nhỡ có ai đi qua nhìn thấy thì sao". Nhưng đã nghe Quang giọng đứt quãng, bảo: "Đêm nay anh đi. Em ở nhà giữ gìn cho anh nhá!". Tôi bỗng như người phát cuồng, không nói không rằng, chỉ gục đầu vào vai anh mà day khuôn mặt đã ngấn nước mắt của mình lên đó. Bỗng nghe tiếng người gọi đúng tên: "Đứa nào như cái Mây hả. Muốn chết hay sao lại đưa nhau ra bờ bụi thế". Tôi ù té chạy gấp hơi về phía vườn chuối nhà ông chú. Nhưng mãi không thấy động tĩnh gì. Tôi rón rén ra ngoài. Bỗng nhận ra sự hoảng hốt thái quá của mình có cơ gây ra sự đổ vỡ không gì chuộc lại được. Tôi vội chạy ra bờ sông, may còn được gặp Quang. Nhưng chẳng mảy may hy vọng. Nhìn sang bên kia sông, chỉ thấy mờ mờ những bóng người di chuyển dưới chân đê...

Mãi mấy ngày sau, có người bên kia sông sang chơi mới thì thầm rằng, làng Phương đợt này có hai anh tòng quân được vào quân chủ lực lên tận chiến khu. Từ đấy hai tiếng chiến khu như sự mê hoặc. Nhưng cũng phải hai năm sau mới lại có đợt lấy người đi kháng chiến. Mây xung phong và được lên thẳng Điện Biên Phủ.

Mây và mấy cô bạn cùng quê được về tiểu đoàn dân công toàn con gái. Một tối vừa cơm nước xong, thì có mấy anh bộ đội đến liên hệ cho đơn vị nấu nhờ bữa cơm nóng cho bộ đội ăn. Cả tiểu đoàn dân công gái mới nghe thế đã đổ xô ra khỏi lán. Bộ đội, dân công gặp nhau nơi rừng sâu heo hút, tay bắt mặt mừng không nói sao cho xiết. Mây được phân cùng mấy cô nữa quẩy ống bương ra suối gánh nước về cho cấp dưỡng làm cơm. Cô có dịp lảng vảng ở ngoài, gặp anh bộ đội nào đi đến cũng hỏi: "Đơn vị anh có ai là Quang không?". Một anh còn trẻ, tếu táo: "Có anh đây, nhưng là Gánh chứ không phải Quang”. Anh bộ đội đi trước quay lại: "Có đấy, Phạm Đức Quang, đúng không? Thế thì còn đi sau". Thế là từ đấy, Mây không còn để tâm trí vào nước nôi nữa, vai quẩy ống bương mà chân bước cứ díu lại. Gặp bộ đội đi tới, Mây lại đánh tiếng hỏi. Tức thì, tiếng Mây vừa dứt, một anh từ cuối hàng quân chạy lao lên, miệng kêu như hổ gầm: "Mây ơi, anh đây!". Mây vừa kịp vứt cái đòn gánh nước trên vai xuống, liền bị hai bàn tay như hai gọng kìm của Quang ôm chặt hai vai đến nghẹt thở. Không cần biết hàng quân đi hết hay chưa, cũng không cần nhớ mình đang đi lấy nước về để cấp dưỡng nấu cơm cho bộ đội, Mây cứ thế kéo Quang xuống bờ suối khuất. Dưới ánh trăng lu bên góc rừng, có con suối nhỏ rì rào phía trước, bao sự kìm nén chất chứa trong người bấy lâu, Quang và Mây giãi bày cùng nhau, gửi trao cho nhau, không giấu diếm, không giữ gìn, chỉ chốc chốc lại bật lên tiếng cười khanh khách.

Nhưng tiếng cười khanh khách lại không đến với lần gặp sau. Mây đã là trung đội trưởng cứu thương, dẫn chị em theo đường hào lên trận địa đồi C2 đưa thương binh về tuyến sau. Khi Mây dẫn trung đội đến nơi thì đêm khuya lắm rồi. Trong đường hào chỉ nhạt nhoà ánh sáng nhờ vào những đường đạn của cả hai bên bắn lên. Hàng chục thương binh, người đã được băng bó, người mới còn băng tạm, đang nằm trong một ngách đường hào. Mây và người chỉ huy đơn vị bộ đội trên đồi C2 đang dàn xếp cho thương binh nào được đưa ra trước, thương binh nào ra sau, thì phía cửa hào có mấy anh xách súng chạy vào, một anh giọng bực dọc: "Những ngần ấy thương binh mà chỉ lên được mấy ngưòi thế này, thì thà đừng lên". Mây bỗng giật mình, nhận ra Quang. Mây cố nén giận, gọi đúng tên, bảo: "Anh Quang thông cảm. Thực là trung đội em giờ chỉ còn ngần này người. Nhận được lệnh là chúng em lên đây ngay". Bấy giờ Quang mới nhận ra Mây: "Trời, Mây! Em chuyển sang cứu thương từ khi nào?". "Đã đi phục vụ chiến dịch thì dù là dân công vận tải, mở đuờng, hay cứu thương, cũng đều là nhiệm vụ cả thôi. Anh cứ bình tĩnh để em và đồng chí chỉ huy đơn vị xem xét từng trường hợp cụ thể đưa ra người nào, để lại người nào đêm mai đưa tiếp". Mây mới kịp nói với Quang thế, thì phía ngoài có tiếng gọi Quang giật giọng. Quang vội xách súng lao ra cửa đường hào. Hình như địch tập kích vào ngách hào nào đó ngoài ấy.

Cuộc gặp cứ như mơ trên đồi C2 giữa đêm địch mấy lần tập kích vào trận địa, làm đơn vị cứu thương của Mây mãi gần sáng mới tìm được đường đưa thương binh nặng về tuyến sau, không ngờ lại là cuộc gặp cuối cùng của Mây và Quang. Bao điều muốn nói, muốn hỏi, cả điều hệ trọng nhất của tình chồng vợ là giọt máu Mây đang mang, cũng đều phải gói lại, vĩnh viễn không bao giờ mở ra để cùng  nhau mừng vui, chia sẻ được nữa.

*


Tiếng chuông điện thoại bỗng vang lên cắt ngang câu chuyện của bà Mây với bà Vận và mấy người ngồi trong nhà. Ông Thời từ nãy vẫn  bắt sâu, tưới cây cảnh ngoài thềm, vội chạy vào  nhấc ống nghe. Tiếng ông với  người trong máy vọng ra rất rõ: "Ừ, bố đưa mẹ đi. Sao, đón con à...”. Ông đặt máy, quay ra bảo bà Mây:
- Thằng Vinh điện về, bảo mai nó bay thẳng từ Tân Sơn Nhất ra Nội Bài, bà ạ.
Bà Mây nói như reo:
- Thế hả! Con nó cũng đi với chúng mình lên Điện Biên hả ông.
- Ừ, mua được vé máy bay là nó điện ra ngay.
Bà em gái ông Thời nghe thế, vội nói:
- Thằng Vinh đi với mẹ lên Điện Biên thắp hương bố Quang dịp này là phải.
Rồi bỗng bà em quay lại ông anh hỏi:
- Thế có cháu Vinh đi với chị lên Điện Biên thì anh có đi nữa không?
Ông Thời nhìn cô em bảo:
- Thì cô cứ ở trông nhà hộ anh chị mấy hôm. Quê sắp vào mùa vải cũng vui lắm đấy...


TRUYỆN NGẮN CỦA CAO NĂM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hai lần lên Điện Biên