Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế -xã hội năm 2023 ở mức từ 6-6,5%.
Chính phủ đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. (Ảnh minh họa: KT)
Trên cơ sở tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2022 và kết quả tăng trưởng quý I.2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) vừa đưa ra 2 kịch bản dự báo tăng trưởng năm 2023.
Ở kịch bản 1, Bộ KHĐT cho rằng, tăng trưởng kinh tế cả năm dự kiến đạt 6% (thấp hơn 0,5 điểm % so với mục tiêu Quốc hội quyết nghị), tăng trưởng các quý II, III và IV theo kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (lần lượt là 6,7%, 6,5% và 7,1%). Trường hợp tăng trưởng năm 2023 chỉ đạt 6% sẽ gây áp lực rất lớn lên mục tiêu tăng trưởng 5 năm 2021-2025 (6,5-7%), đòi hỏi năm 2024-2025 phải đạt tăng trưởng bình quân gần 8%/năm để đạt mục tiêu 5 năm là 6,5%.
Ở kịch bản 2, theo Bộ KHĐT, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm là 6,5%, tăng trưởng kinh tế quý II là 6,7% (bằng kịch bản Nghị quyết 01/NQ-CP), quý III và quý IV tăng trưởng lần lượt là 7,5% và 7,9% (cao hơn lần lượt 1 điểm % và 0,8 điểm % so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP).
Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đây là kịch bản rất thách thức, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Hiện nay, hầu hết các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã hết thời gian thực hiện hoặc hiệu quả thấp. Do đó, cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ mới như giảm thuế, phí…, tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.
Bộ KHĐT kiến nghị lựa chọn Kịch bản 2, phấn đấu tăng trưởng cả năm là 6,5%, tạo đà cho các năm tiếp theo để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng 5 năm 2021-2025 từ 6,5-7%.
Theo VOV