Hải Dương giữ nguyên thứ hạng và thuộc TOP trung bình khá trong bảng xếp hạng trình độ phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2021.
Đến hết năm 2021 cả nước có 7 tỉnh đạt trình độ phát triển khá, bằng 11,1% tổng số tỉnh của cả nước
Để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao yêu cầu sự nghiệp xây dựng từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết chung là tỉnh) cũng đều phải hướng tới mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành tỉnh phát triển, thu nhập cao, hoặc cơ bản là tỉnh phát triển, thu nhập cao.
Căn cứ kết quả áp dụng phương pháp biên soạn chỉ số đánh giá trình độ phát triển kinh tế - xã hội (Sn) của Tổng cục Thống kê cho thấy đến hết năm 2021 kết quả thực hiện 10 tiêu chí thành phần và chỉ số phát triển KT - XH đến năm 2021 (S21) của nhiều tỉnh còn đạt thấp so với ngưỡng tỉnh phát triển, thu nhập cao.
Theo đó, so với kết quả trình độ phát triển kinh tế - xã hội cấp tỉnh của năm 2020 thì năm 2021 có 21 tỉnh tăng thứ bậc, 18 tỉnh giữ nguyên và 24 tỉnh tụt hạng. Điều này đòi hỏi các địa phương phải có giải pháp để cải thiện các chỉ số phát triển, từng bước đưa tới ngưỡng chuẩn tỉnh phát triển và có thu nhập cao...
Cụ thể như sau:
Trên cơ sở số liệu Bảng 1, áp dụng phương pháp biên soạn chỉ số (Sn) thu được chỉ số phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 (S21) của từng tỉnh như Bảng 2 dưới đây:
Theo quy ước trên, đến hết năm 2021 cả nước có 7 tỉnh đạt trình độ phát triển khá, bằng 11,1% tổng số tỉnh của cả nước; có 9 tỉnh có trình độ phát triển trung bình khá, bằng 14,3%; có 35 tỉnh có trình độ phát triển trung bình, bằng 55,6%; có 12 tỉnh chậm phát triển, bằng 19,0%.
Phân theo vùng:
Trình độ phát triển khá: Vùng 1 có 3/11 tỉnh (Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng), Vùng 3 có 1/14 tỉnh (Đà Nẵng), Vùng 5 có 2/6 tỉnh (TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương), Vùng 6 có 1/13 tỉnh (Cần Thơ).
Trình độ phát triển trung bình khá: Vùng 1 có 5/14 tỉnh (Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình), Vùng 2 có 1/14 tỉnh (Thái Nguyên), Vùng 3 có 1/14 tỉnh (Thừa Thiên - Huế ), Vùng 5 có 2/6 tỉnh (Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai).
Trình độ phát triển trung bình: Vùng 1 có 3/11 tỉnh (Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình), Vùng 2 có 6/14 tỉnh (Phú Thọ, Bắc Giang, Lạng Sơn, Yên Bái, Hòa Bình, Lào Cai), Vùng 3 có 12/14 tỉnh (Bình Định, Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Thanh Hóa, Quảng Nam, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Nghệ An), Vùng 4 có 1/5 tỉnh (Lâm Đồng), Vùng 5 có 2/6 tỉnh (Tây Ninh, Bình Phước), Vùng 6 có 11/13 tỉnh (Kiên Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Hậu Giang, Trà Vinh, Cà Mau).
Chậm (kém) phát triển: Vùng 2 có 7/14 tỉnh (Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Bắc Cạn, Cao Bằng, Lai Châu, Tuyên Quang), Vùng 4 có 4/5 tỉnh (Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc), Vùng 6 có 1/13 tỉnh (Bến Tre). Như vậy, đến hết năm 2021 các tỉnh chậm phát triển chủ yếu tập trung ở Vùng 2 và Vùng 4.
Phân theo tỉnh:
So với kết quả xếp hạng trình độ phát triển KT - XH cấp tỉnh năm 2020: năm 2021 có 21 tỉnh tăng thứ bậc xếp hạng, đó là các tỉnh: Phú Thọ tăng 14 bậc, Lạng Sơn tăng 12 bậc, Quảng Bình tăng 7 bậc, Quảng Ngãi tăng 6 bậc, Lai Châu tăng 5 bậc, Đồng Tháp tăng 4 bậc, Bạc Liêu và Nghệ An đều tăng 3 bậc; năm tỉnh Thừa Thiên – Huế, Thái Nguyên, Quảng Nam, Ninh Thuận và Bến Tre đều tăng 2 bậc; tăng 1 bậc có tám tỉnh: Đà Nẵng, Bắc Ninh, Khánh Hòa, Vĩnh Long, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn và Sơn La.
Có 18 tỉnh giữ nguyên thứ bậc xếp hạng, đó là các tỉnh: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình, Bình Định, Hà Nội, Bình Dương, Hải Phòng, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Thanh Hóa, Trà Vinh, Yên Bái, Cà Mau và Hà Giang.
Có 24 tỉnh tụt hạng, đó là các tỉnh: Sóc Trăng giảm 11 bậc, Hậu Giang giảm 6 bậc, Gia Lai và Long An giảm 5 bậc, Phú Yên giảm 4 bậc; ba tỉnh Phú Yên, Quảng Trị và Kiên Giang đều giảm 3 bậc; giảm 2 bậc có bẩy tỉnh: Hưng Yên, Nam Định, Bình Thuận, An Giang, Hòa Bình, Đắk Lắk và Đắk Nông; giảm 1 bậc có chín tỉnh: Điện Biên, Kon Tum, Lào Cai, Tiền Giang, Bắc Giang, Tây Ninh, Thái Bình, Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh.
Theo Bảng 1: để nhanh chóng nâng cao trình độ phát triển của các tỉnh chậm phát triển, trong các năm tới Đảng, Nhà nước, các bộ ngành Trung ương cần quan tâm chỉ đạo, bố trí ưu tiên các nguồn lực đầu tư cho các tỉnh này, trong đó cần tập trung đầu tư để nâng cao kết quả thực hiện các tiêu chí: thu nhập bình quân đầu người; tỷ lệ đô thị hóa; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều; tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt sạch và hợp vệ sinh là các tiêu chí các tỉnh chậm phát triển còn đạt kết quả thấp so với các tỉnh có trình độ phát triển khá, và so với ngưỡng tỉnh phát triển, thu nhập cao.
Cụ thể, so với các tỉnh phát triển khá: thu nhập bình quân của các tỉnh chậm phát tiển chỉ bằng 43,7%; tỷ lệ đô thị hóa bằng 28,6%; tỷ lệ xã đạt chuẩn xã nông thôn mới bằng 37,3%; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp bằng 45,8%; tỷ lệ đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ bằng 53,7%; tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh bằng 89,3%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều cao gấp 25,8 lần.
So với ngưỡng tỉnh phát triển, thu nhập cao: thu nhập bình quân của các tỉnh chậm phát tiển chỉ mới đạt 16,1%; tỷ lệ đô thị hóa đạt 24,7%; tỷ lệ xã đạt chuẩn xã nông thôn mới đạt 37,1%; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt 45,7%; tỷ lệ đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 39,4%; tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 89,2%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều cao gấp 7,7 lần.
Theo VnEconomy