70 năm thi đua theo Lời kêu gọi của Bác Hồ, Đảng bộ và nhân dân Hải Dương tranh thủ thời cơ, vượt qua thử thách, đạt được nhiều thành tựu kinh tế - xã hội quan trọng.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh gắn Huân chương Độc lập hạng ba lên cờ truyền thống của Sở Khoa học và Công nghệ. Ảnh: Thành Chung
Thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 70 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Hải Dương luôn đoàn kết, sát cánh cùng cả nước không ngừng thi đua, sáng tạo, góp phần đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội quan trọng.
Người người thi đua, ngành ngành thi đua
Từ những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, các phong trào “Tuần lễ vàng”, “Bình dân học vụ”, vận động “đời sống mới”, “Thi đua tiết kiệm, tránh xa xỉ, phí phạm, để dành lương thực cho bộ đội hoặc cho những lúc túng thiếu” theo Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác đã nở rộ trong toàn tỉnh. Ngay trong năm đầu thực hiện Lời kêu gọi của Bác, Đảng bộ tỉnh khẩn trương phát động nhân dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.
Tháng 8.1949, hưởng ứng lời Bác kêu gọi: "Nhờ đồng bào mỗi gia đình bán cho 10 kg gạo”, tỉnh tổ chức "Tuần lễ thi đua bán thóc cho Hồ Chủ tịch khao quân". Chỉ trong 1 tuần, nhân dân trong tỉnh đã đồng lòng bán trên 2.000 tấn thóc gạo cho Chính phủ. Phong trào "Bình dân học vụ" phát triển mạnh mẽ và rộng khắp. Trong 2 năm (1948 -1949), toàn tỉnh cơ bản thanh toán xong nạn mù chữ. Các phong trào thi đua xây dựng tổ chức cơ sở đảng, giáo dục, sản xuất... phát triển rộng khắp, ghi dấu nhiều chiến công của quân và dân tỉnh ta, góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung chống thực dân Pháp xâm lược.
Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, nêu cao khẩu hiệu “tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, quân và dân toàn tỉnh hăng hái thi đua "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người"; "thanh niên Hải Dương hăng hái tòng quân chống Mỹ, cứu nước". Trải qua 2 cuộc kháng chiến, Hải Dương có hơn 39.000 liệt sĩ, hơn 10.000 thương binh, 2.100 bộ đội, thanh niên xung phong bị nhiễm chất độc hóa học. Vô vàn sức người, sức của đã được đóng góp từ hàng loạt các cuộc hưởng ứng thi đua của các ngành, các giới, được chi viện cho tiền tuyến. Cùng với đó, việc lãnh đạo nhân dân hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục phát triển kinh tế, tiến hành công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa được tỉnh tăng cường bằng nhiều phong trào như thanh niên thi đua "2 tốt, 3 vượt"; phụ nữ thi đua "đường cày đảm đang", "tay cày, tay súng"; phụ lão "3 giỏi"...
Đất nước thống nhất, Bắc - Nam sum họp, cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, Đảng bộ và nhân dân Hải Dương hăng hái thi đua trong các phong trào: “Tất cả vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân”, “Tất cả vì công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”. Bước vào thời kỳ đổi mới, đặc biệt là từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, hưởng ứng phong trào thi đua do Đảng khởi xướng: “Tất cả vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, nhiều phong trào mới được phát động như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”...
Sau ngày tái lập tỉnh, bước vào giai đoạn phát triển mới, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh phát huy mọi nguồn lực, thi đua sôi nổi, phát triển đồng bộ, đạt nhiều bước tiến mới.
Động lực cho phát triển
Hưởng ứng phong trào thi đua "Quân đội chung tay vì người nghèo - không để ai bỏ lại phía sau", Ban Chỉ huy quân sự huyện Gia Lộc tặng xe đạp cho học sinh Trường Tiểu học xã Toàn Thắng. Ảnh: Văn Phúc
Sức sống bền lâu từ Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác đang tiếp tục được nhân lên qua các phong trào lớn: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đặc biệt, những năm gần đây, qua thực hiện Chỉ thị số 03 và 05 của Bộ Chính trị đã có hơn 13.000 tấm gương người tốt, việc tốt là những tập thể, cá nhân tiêu biểu được bình chọn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội đã được ghi trong “Sổ ghi người tốt, việc tốt làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Hàng nghìn tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến với những việc làm cụ thể, có sức lan toả, ý nghĩa thiết thực, giáo dục cao đã được các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng và tuyên truyền, nhân rộng.
70 năm hăng hái thi đua theo Lời kêu gọi của Bác, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã và đang phát huy mọi nguồn lực, tranh thủ thời cơ, vượt qua thử thách, đưa công cuộc đổi mới phát triển một cách toàn diện và đồng bộ. Hằng năm, toàn tỉnh có từ 70 - 80% số tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh; 75 - 80% số đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ.
2017 là năm đầu tiên tỉnh ta tự cân đối thu chi ngân sách với nguồn thu đạt 14.628 tỷ đồng, tăng 28,6% so với năm 2016. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 8,9%. Tất cả các xã, thị trấn trong tỉnh được cấp nước sạch với 91% số hộ dân nông thôn dùng nước sạch. Đến tháng 3.2018, toàn tỉnh có 146 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới (đạt 64,3%), huyện Kinh Môn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và thị xã Chí Linh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Sự nghiệp giáo dục của tỉnh tiếp tục đạt kết quả khá toàn diện, chất lượng giáo dục được giữ vững, duy trì ở tốp đầu cả nước về thành tích học sinh giỏi. Mạng lưới trường lớp được quan tâm đầu tư, củng cố, đến nay đã có 595 trường học đạt chuẩn quốc gia (đạt 63,37%). Công tác chăm sóc và bảo đảm sức khỏe nhân dân được quan tâm thường xuyên; giữ vững kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về y tế. Đến nay, toàn tỉnh có 220 trong tổng số 265 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. An ninh, quốc phòng được tăng cường, củng cố.
Đặc biệt, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp được chỉ đạo và bước đầu thu được kết quả tích cực. Việc thực hiện Đề án về sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2017 - 2020 đang được đẩy mạnh, công tác xây dựng Đảng được quan tâm.
Với những thành tích to lớn trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh biên giới (1979), nhất là thời kỳ đổi mới đất nước, Đảng bộ và nhân dân Hải Dương đã có 199 tập thể, cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang; 3.993 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 285 gia đình có nhiều liệt sĩ, có con duy nhất là liệt sĩ được tặng Huân chương Độc lập; 221.052 tập thể, cá nhân được tặng Huân chương, Huy chương, Bằng khen. Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, Hải Dương có 1.509 tập thể, cá nhân được khen thưởng, trong đó có 5 Anh hùng Lao động, 568 huân chương các hạng, 826 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 93 cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, 17chiến sĩ thi đua toàn quốc; 21.534 tập thể, cá nhân được UBND tỉnh tặng cờ thi đua và bằng khen.
LINH AN