Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi khó khăn chung của cả nước, nhưng Hải Dương vẫn đạt được kết quả rất khả quan về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thời gian qua.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái |
Hải Dương hiện có nhiều dự án đầu tư triển khai có hiệu quả. Ông có thể cho biết cụ thể vấn đề này?
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 216 dự án FDI đến từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,107 tỷ USD (ngoài KCN có 111 dự án, tổng vốn 3,388 tỷ USD; trong KCN có 105 dự án, tổng vốn đầu tư 1,719 tỷ USD). Tổng vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp FDI ước đạt 1,767 tỷ USD, thu hút trên 90.400 lao động trực tiếp, cùng hàng ngàn lao động gián tiếp khác.
Trong số 216 dự án FDI, có 166 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, trong đó, một số doanh nghiệp có quy mô lớn, sản xuất hiệu quả, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chẳng hạn, năm 2010, Công ty Xi măng Phúc Sơn đã nộp ngân sách 5,6 triệu USD, sử dụng trên 1.000 lao động; Công ty Ford nộp ngân sách 70,3 triệu USD (năm 2010), sử dụng trên 600 lao động…
Rõ ràng, kết quả đó có được nhờ chính sách và sự chỉ đạo linh hoạt của lãnh đạo tỉnh, trong đó có vai trò tham mưu quan trọng của Sở Kế hoạch và Đầu tư, thưa ông?
Trên tinh thần triển khai, bám sát thực hiện các chủ trương chính sách theo các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội và Chính phủ (Luật Đầu tư 2005, Luật Doanh nghiệp 2005, Nghị định 108/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, cùng một số văn bản liên quan khác), Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương luôn tham mưu cho tỉnh những giải pháp nhằm tạo chuyển biến mới trong công tác thu hút vốn đầu tư, tạo động lực và môi trường phát triển kinh tế, thu hút đầu tư.
Chúng tôi luôn xác định FDI là nguồn vốn quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; ưu tiên thu hút các dự án FDI có quy mô đầu tư lớn, hàm lượng công nghệ cao, công nghệ nguồn; dự án sản phẩm có sức cạnh tranh; dự án sản xuất định hướng xuất khẩu; dự án sản xuất công nghiệp phụ trợ; dự án sản xuất có sử dụng thế mạnh về nguyên liệu của địa phương…
Từ định hướng đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát và xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư phù hợp gắn liền với thực tế, đặc thù của tỉnh. Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, phối hợp với các sở, ngành trong công tác giải phóng mặt bằng, giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh, đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hoá cho nhà đầu tư.
Được biết, Dự án Nhiệt điện Hải Dương (hơn 2 tỷ USD) mới được cấp phép. Ông có thể cho biết kế hoạch triển khai dự án này?
Ngày 30/6/2011 Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 040043000049 cho Dự án Nhiệt điện BOT Hải Dương, với quy mô vốn 2,258 tỷ USD, diện tích đất sử dụng 400 ha. Mục tiêu và quy mô tiêu chuẩn của Dự án là thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện chạy than, công suất khoảng 1.200 MW.
UBND tỉnh Hải Dương đang tích cực triển khai công tác giải phóng mặt bằng cho dự án này theo hợp đồng thuê đất đã ký. Tiến độ xây dựng tổ máy I là 48 tháng kể từ ngày bắt đầu khởi công; vận hành thương mại nhà máy là 54 tháng kể từ ngày bắt đầu xây dựng. Thời hạn hoạt động 25 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
Vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững sẽ được cụ thể hóa như thế nào trong việc triển khai các dự án đầu tư tại Hải Dương, thưa ông?
Để đảm bảo phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, UBND tỉnh Hải Dương đề ra những chính sách khá rõ ràng và cụ thể. Chẳng hạn, không cấp phép cho các dự án công nghệ lạc hậu, tác động xấu đến môi trường; thẩm tra kỹ các dự án sử dụng nhiều đất, giao đất có điều kiện theo tiến độ dự án, cân nhắc tỷ suất đầu tư trên diện tích đất, kể cả đất KCN. Bên cạnh đó, yêu cầu các sở, ngành nâng cao vai trò trong khâu thẩm định dự án, có những tiêu chuẩn, rào cản kỹ thuật để ngăn các dự án công nghệ lạc hậu và tác động xấu đến môi trường.
Bên cạnh đó, những dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư nếu có yếu tố ảnh hưởng đến môi trường, yêu cầu chủ đầu tư phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc lập bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định. Đồng thời, cơ quan chức năng của tỉnh giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện dự án và quá trình hoạt động của doanh nghiệp để làm sao mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.
Tiếp đến, tỉnh Hải Dương cũng luôn quan tâm đến những giải pháp kiểm soát chất lượng đầu tư nước ngoài. Trên cơ sở đó, đề xuất các bộ, ngành sửa đổi các nội dung không đồng bộ, thiếu nhất quán, sửa đổi các quy định còn bất cập, chưa rõ ràng liên quan đến thủ tục đầu tư và kinh doanh, nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư và đảm bảo phát triển bền vững.
Về vấn đề cải thiện môi trường, tỉnh đã tiến hành tổng rà soát, điều chỉnh, phê duyệt và công bố các quy hoạch về kết cấu hạ tầng đến năm 2020 để làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Tỉnh chủ trương tranh thủ tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, ưu tiên các lĩnh vực cấp, thoát nước, vệ sinh môi trường, điện, hệ thống đường giao thông...
(Nguồn: Báo đầu tư)