Xét theo lĩnh vực đầu tư, công nghiệp – xây dựng là lĩnh vực thu hút nguồn vốn trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất của tỉnh, với 177 dự án có vốn đăng ký gần 2,30 tỷ USD, chiếm 88,5% tổng vốn FDI.
|
Trong nhà máy sản xuất xe Ford - doanh nghiệp FDI lớn nhất tại tỉnh ta
|
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước có nhiều dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào tỉnh ta đã có nhiều khởi sắc và từng bước trở thành bộ phận cấu thành quan trọng, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế toàn tỉnh.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến giữa tháng 2-2011, trên địa bàn tỉnh hiện có 205 dự án FDI còn hiệu lực của các doanh nghiệp đến từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký gần 2,60 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư thực hiện đạt 1,66 tỷ USD (chiếm 64%). Trong số này, có 102 dự án nằm trong các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh, với tổng vốn đăng ký hơn 1,67 tỷ USD và 150 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Xét theo thành phần chủ đầu tư các dự án, Nhật Bản đứng đầu với 32 dự án, tổng vốn đăng ký 719,8 triệu USD, chiếm 27,7% tổng vốn FDI và đứng đầu về quy mô vốn đầu tư. Tiếp đến là Đài Loan với vốn đăng ký 647 triệu USD, chiếm 24,8% tổng vốn FDI. Các nhà đầu tư khác với số vốn đăng ký trên 100 triệu USD là Samoa, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Hồng Kông.
Xét theo lĩnh vực đầu tư, công nghiệp-xây dựng là lĩnh vực thu hút nguồn vốn FDI lớn nhất của tỉnh, với 177 dự án có vốn đăng ký gần 2,30 tỷ USD, chiếm 88,5% tổng vốn FDI.
Trong những thành tựu kinh tế mà tỉnh đạt được trong năm 2010, có sự đóng góp to lớn của khu vực doanh nghiệp có vốn FDI. Doanh thu năm 2010 của các doanh nghiệp FDI đạt gần 1,765 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2009, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 1,096 tỷ USD, chiếm 96% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Các dự án FDI đã tạo ra công ăn, việc làm ổn định cho 85.000 lao động trực tiếp, cùng hàng ngàn lao động gián tiếp khác, đồng thời nộp ngân sách nhà nước 97 triệu USD, chiếm 42,4 % tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh.
Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 của các dự án FDI trong lĩnh vực công nghiệp đạt 9.545 tỷ đồng, chiếm 43% tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Lê Hồng Văn, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định: “Các doanh nghiệp FDI đang đầu tư, hoạt động tại Hải Dương đã góp phần làm thay đổi diện mạo theo chiều hướng tích cực cho tỉnh. Các doanh nghiệp FDI tạo thêm nhiều việc làm có thu nhập ổn định, cơ sở hạ tầng ngày càng được xây dựng đồng bộ, hiện đại... Nhờ đó, tỉnh ta đang trở thành một tỉnh có tốc độ phát triển nhanh, ổn định và bền vững”.
Có thể nói, Hải Dương đã có nhiều chính sách khuyến khích và tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư, chú trọng công tác quy hoạch các cụm, KCN. Chính phủ đã cho phép tỉnh quy hoạch, đầu tư xây dựng đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 tổng cộng 18 KCN tập trung với diện tích gần 4.000 ha; trong đó 10 KCN đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết với diện tích quy hoạch 2.086 ha.
Tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN đã thực hiện là 2.180 tỷ đồng (tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng dự kiến là 5.970 tỷ đồng). Đến thời điểm hiện tại, các KCN đã thu hút được 127 dự án trong nước và FDI, với vốn đầu tư đăng ký gần 2,0 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện khoảng gần một tỷ USD; tỷ lệ lấp đầy bình quân của các KCN đã được giao đất và xây dựng hạ tầng đạt khoảng 60%. Tỉnh đã phê duyệt quy hoạch gần 40 cụm công nghiệp, với diện tích khoảng 1.600 ha.
Hải Dương được đánh giá là tỉnh có nhiều thuận lợi về vị trí địa lý, nguồn nhân lực... để thu hút nguồn vốn FDI và hiện vẫn là một trong các tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI.
(Nguồn: Báo đầu tư)