Dù phải chịu tác động của khủng hoảng kinh tế nhưng Công ty CP Năng lượng Hòa Phát và Công ty CP Thép Hòa Phát (Tập đoàn Hòa Phát) vẫn phát triển mạnh.
Năm 2013, thép Hòa Phát chiếm 15,2% thị phần thép toàn quốc
Đầu tư đồng bộ, phát huy được lợi thế cạnh tranh nên dù phải chịu tác động của khủng hoảng kinh tế nhưng Công ty CP Năng lượng Hòa Phát và Công ty CP Thép Hòa Phát (Tập đoàn Hòa Phát) vẫn phát triển mạnh.
Tạo lợi thế cạnh tranh
Thị trường bất động sản đóng băng, Nhà nước thắt chặt đầu tư công khiến cho các doanh nghiệp ngành thép gặp rất nhiều khó khăn, không ít doanh nghiệp đã phá sản. Trong khi đó từ khi mới thành lập năm 2008 đến nay, Công ty CP Năng lượng Hòa Phát và Công ty CP Thép Hòa Phát không chỉ đứng vững mà còn vươn lên phát triển mạnh mẽ. Ông Mai Văn Hà, Giám đốc Công ty CP Thép Hòa Phát cho biết: "Sở dĩ chúng tôi đứng vững trong bối cảnh ngành thép trong nước khủng hoảng thừa là do trước khi đầu tư, tập đoàn đã xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh rất kỹ. Không chỉ lựa chọn công nghệ luyện thép lò cao tiên tiến nhất, tập đoàn còn quyết định đầu tư từ khâu khai thác, chế biến quặng, sản xuất than cốc, luyện gang, luyện phôi đến cán thép thành phẩm. Chúng tôi đã tạo ra một quy trình sản xuất khép kín, tạo ra lợi thế cạnh tranh so với các doanh nghiệp khác".
Tại huyện Kinh Môn, Tập đoàn Hòa Phát đầu tư khu liên hợp gang thép Hòa Phát trên diện tích 132 ha bao gồm một tổ hợp khép kín từ Nhà máy chế biến nguyên liệu, Nhà máy sản xuất than cốc và nhiệt điện, Nhà máy luyện gang, Nhà máy luyện thép đến Nhà máy cán thép và nhiều khu phụ trợ khác. Hệ thống nhà máy trong khu liên hợp là một dây chuyền đồng bộ khép kín, sản phẩm của nhà máy này là nguyên liệu đầu vào của nhà máy kia. Dự án được xây dựng đồng bộ nhằm tối ưu hóa chuỗi giá trị gia tăng trong các công đoạn của chu trình luyện kim, được đánh giá là đầu tư một cách bài bản, đồng bộ, hiện đại và quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay. Riêng dự án sản xuất thép có công suất thiết kế 850 nghìn tấn/năm được chia thành 2 giai đoạn với tổng mức đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn I có công suất 350 nghìn tấn/năm đã hoàn thành vào năm 2009. Giai đoạn II có công suất khoảng 500 nghìn tấn/năm cho ra sản phẩm đầu tiên vào tháng 10 - 2013. Các sản phẩm của khu liên hợp là phôi thép, thép thành phẩm các loại gồm cán thép thanh và thép cuộn với mác thép cao lên đến D55. Việc sử dụng công nghệ lò thổi ô-xi trong sản xuất thép của Hòa Phát tiêu thụ điện thấp hơn so với công nghệ được đa số doanh nghiệp thép sử dụng. Ước tính điện tiêu thụ từ công nghệ này giảm 10 - 15%.
Để chủ động về than cốc phục vụ luyện thép, tháng 8 - 2007, Tập đoàn Hòa Phát đã thành lập Công ty CP Năng lượng Hòa Phát. Tháng 3 - 2008, công ty đã khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất than cốc và Nhiệt điện Hòa Phát tại xã Hiệp Sơn. Tổng mức đầu tư cho cả 2 giai đoạn 2.500 tỷ đồng, công suất thiết kế 700 nghìn tấn/năm. Nhà máy được áp dụng công nghệ và thiết bị tiên tiến nhất trong lĩnh vực sản xuất than cốc. Ngoài sản phẩm chính là than cốc luyện kim chất lượng phục vụ ngành luyện kim, nhà máy còn có trạm phát điện nhiệt dư công suất lên đến 37 MW, cung cấp mỗi năm khoảng 270 triệu kWh điện thương phẩm, cung cấp toàn bộ nguồn điện tiêu thụ của công ty và hơn 40% tổng lượng điện tiêu thụ của khu liên hợp.
Những con số "biết nói"
Do được đầu tư hiện đại, đồng bộ nên sản phẩm là than cốc và thép do 2 doanh nghiệp sản xuất có lợi thế rõ rệt về chất lượng và giá bán trên thị trường. Năm 2009, Công ty CP Thép Hòa Phát sản xuất được hơn 56 nghìn tấn thép xây dựng, doanh thu đạt hơn 74 tỷ đồng. Đến năm 2013, công ty đã sản xuất và tiêu thụ gần 400 nghìn tấn thép xây dựng, doanh thu đạt hơn 5.624 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 505 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 153 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động với mức thu nhập bình quân 4,7 triệu đồng/người/tháng. Năm 2010, thép Hòa Phát mới chiếm 12,1% thị phần toàn quốc thì năm 2013 đã chiếm 15,2%.
Các chỉ tiêu của Công ty CP Thép Hòa Phát hết sức ấn tượng nhưng các số liệu sản xuất, kinh doanh của Công ty CP Năng lượng Hòa Phát cũng ấn tượng không kém. Năm 2009, sản lượng than cốc do công ty sản xuất đạt 26.756 tấn, tiêu thụ 816 tấn, doanh thu đạt hơn 23 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 10 tỷ đồng, thu nhập bình quân một người lao động đạt 1,4 triệu đồng/tháng. Năm 2013, công ty đã sản xuất được hơn 321 nghìn tấn, tiêu thụ hơn 382 nghìn tấn, doanh thu đạt hơn 2.482 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 402 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 161 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 4,9 triệu đồng/tháng.
Với hướng phát triển đạt hiệu quả cao và khá bền vững, Công ty CP Thép Hòa Phát đang khẩn trương thực hiện giai đoạn 3 với công suất thiết kế 700 nghìn tấn thép/năm, tổng mức đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng. Nhờ tận dụng các nhà máy sẵn có của giai đoạn 1 và 2, các hạng mục không triển khai trong giai đoạn 3 như nhà máy cán thép, bồn chứa khí than, lò linh luyện, sẽ tiết kiệm được khoảng 1.000 tỷ đồng. Do đó, suất đầu tư của giai đoạn 3 sẽ còn thấp hơn.
Với những kết quả trong sản xuất, kinh doanh trong hơn 5 năm qua, Công ty CP Năng lượng Hòa Phát và Công ty CP Thép Hòa Phát đã và đang trở thành 2 doanh nghiệp lớn của tỉnh.
VŨ ÚY