Habubank đề nghị cổ đông cho sáp nhập vào SHB

25/04/2012 16:40

Nếu việc sáp nhập diễn ra đúng kế hoạch, thương hiệu Habubank sẽ không tồn tại.

Chiều 25-4, 3 ngày trước đại hội cổ đông thường niên, Ngân hàng cổ phần Nhà Hà Nội (Habubank) công bố dự thảo đề án sáp nhập vào Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Thương hiệu Habubank sẽ không tồn tại sau sáp nhập.

Đề án sáp nhập sẽ được Habubank bổ sung vào các nội dung xin ý kiến cổ đông tại đại hội. Đây được xem là bước đầu tiên của quá trình sáp nhập 2 ngân hàng, trước khi phương án được đại hội cổ đông SHB (diễn ra vào ngày 5/5) thông qua và Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Tỷ lệ chuyển đổi dự kiến là 4 cổ phiếu HBB đổi được 3 cổ phiếu SHB. Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Tỷ lệ chuyển đổi dự kiến là 4 cổ phiếu HBB đổi được 3 cổ phiếu SHB

Theo đề án vừa được Habubank công bố, quá trình sáp nhập sẽ bao gồm việc chuyển toàn bộ trách nhiệm, nghĩa vụ đối với khách hàng, đối tác, nhân viên sang cho SHB, dưới sự kiểm soát và hỗ trợ của Ngân hàng nhà nước. Thương hiệu Habubank sau đó sẽ không còn tồn tại, thay vào đó là cái tên hợp nhất là Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB).

Ngân hàng hợp nhất sẽ có vốn điều lệ gần 8.866 tỷ đồng (bằng tổng vốn điều lệ hiện tại của Habubank và SHB) với tổng tài sản khoảng 100.000 tỷ đồng. Nhà năng này dự kiến phục vụ khoảng 500.000 khách hàng và có khoảng 5.000 nhân viên. Do cả 2 ngân hàng đều đang niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) nên tỷ lệ hoán đổi được đưa ra là một cổ phiếu HBB đổi 0,75 cổ phiếu SHB (kết thúc phiên giao dịch ngày 25/4, giá HBB tại HNX là 7.000 đồng trong khi SHB là 11.400 đồng một cổ phiếu).

Chia sẻ về những thách thức và sự cần thiết phải sáp nhập, dự thảo đề án của Habubank cho biết các khoản vay từ nhóm khách hàng Vinashin đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh, tình hình tài chính và chất lượng tài sản của ngân hàng trong giai đoạn từ 2011 đến nay. Bên cạnh đó, với quy mô và khả năng hiện tại, Habubank khó có khả năng cạnh tranh, trong khi thiếu các các kế hoạch mở rộng, phát triển kinh doanh đủ tham vọng.

Trong khi đó, việc sáp nhập để tao ra các ngân hàng lớn, vững mạnh hơn lại đang là xu thế tất yếu của việc tái cơ cấu thị trường tài chính, ngân hàng, được các cơ quan quản lý ủng hộ. Ngoài ra, việc sáp nhập cũng mang tới khả năng mở rộng hoạt động cho ngân hàng cũng như đối tác sáp nhập, bổ sung lợi thế kinh doanh cũng như quản lý chi phí.

Thương vụ giữa Habubank và SHB được xem là vụ sáp nhập đình đám tiếp theo trên thị trường ngân hàng, sau vụ hợp nhất 3 nhà băng tại TP HCM vào cuối năm 2011. Trên thực tế thì những tin đồn xung quanh thương vụ đã xuất hiện từ đầu tháng 3 năm nay. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, cả Habubank, SHB và cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước đều lên tiếng “chưa xác nhận”.

Cuối tuần trước Chủ tịch SHB - Đỗ Quang Hiển tiếp tục cho biết việc sáp nhập vẫn trong giai đoạn “trai gái tìm hiểu nhau”. Trong trường hợp được đại hội cổ đông 2 bên thông qua, Habubank và SHB sẽ cần tiếp tục nhận được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý mới được phép tiến hành.

“Đây là một quá trình lâu dài và cẩn trọng vì hơn cả các doanh nghiệp, việc hợp nhất ngân hàng cần đảm bảo đúng thủ tục, quy trình cũng như quyền lợi của khách hàng, an toàn trong hệ thống”, ông Hiển cho biết.

Nhật Minh (VnE)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Habubank đề nghị cổ đông cho sáp nhập vào SHB