Việc Hạ viện Anh phê chuẩn thỏa thuận Brexit đã chấm dứt một thời kỳ hỗn loạn đầy kịch tính về chính trị, với sự ra đi của 2 chính phủ và khiến nước này bị chia rẽ sâu sắc.
Toàn cảnh phiên họp của Hạ viện Anh ở London. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Với 330 phiếu thuận và 231 phiếu chống, Hạ viện Anh ngày 9.1 đã thông qua thỏa thuận của Thủ tướng Boris Johnson về việc đưa nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), qua đó dọn đường để tiến trình Brexit được thực hiện vào ngày 31.1 tới sau nhiều năm trì hoãn.
Trước đó, ngày 20.12.2019, thỏa thuận Brexit mà chính phủ của Thủ tướng Johnson ký kết với EU hồi tháng 10 vừa qua, đã được Hạ viện Anh khóa mới thông qua lần thứ nhất, qua đó cho phép tiến hành phiên họp về đại cương dự luật. Đây là bước đi đầu tiên hướng tới hiện thực hóa cam kết hoàn tất Brexit vào ngày 31.1.2020 mà ông Johnson đưa ra trong chiến dịch tranh cử.
Các bước phê chuẩn cuối cùng được thực hiện ngay sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, khi Hạ viện làm việc tới ngày 9.1 để thông qua dự luật.
Thượng viện sẽ có 3 tuần thông qua dự luật trước khi Hoàng gia Anh phê chuẩn. Ngoài ra, thỏa thuận này còn phải được Nghị viện châu Âu (EP) thông qua thì mới có hiệu lực.
Sau khi chính thức rời EU, Anh sẽ bước vào giai đoạn đàm phán thỏa thuận thương mại với liên minh này trong thời kỳ chuyển tiếp.
Việc Hạ viện Anh phê chuẩn thỏa thuận Brexit đã chấm dứt một thời kỳ hỗn loạn đầy kịch tính về chính trị, với sự ra đi của 2 chính phủ và khiến nước này rơi vào hoàn cảnh bị chia rẽ sâu sắc.
Phần lớn thời gian kể từ sau cuộc trưng cầu về Brexit vào năm 2016, giới lập pháp Anh đã tranh cãi liên miên về cách thức, thời điểm hoặc thậm chí là câu hỏi liệu Anh có nên rời bỏ các đối tác thương mại gần gũi nhất với nước này sau gần 50 năm gắn bó hay không. Giờ đây, Anh đã có thể khởi động các cuộc đàm phán về thương mại với EU.
Trước đó, trong cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đang ở thăm London ngày 8.1, Thủ tướng Johnson đã phát đi thông điệp rằng Chính phủ Anh có thể tìm kiếm thỏa thuận từng phần với EU trong giai đoạn hậu Brexit, trong đó tạm gác lại một số vấn đề chưa được giải quyết, nhưng vẫn để ngỏ khả năng rời EU mà không có thỏa thuận nào vào cuối năm nay.
Theo TTXVN