Ngày 21.11, Sở Y tế Hà Nội gửi công văn đến UBND các quận, huyện, thị xã, hướng dẫn triển khai cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội tối 21.11 ghi nhận 218 ca nhiễm trong 24 giờ qua, là ngày thứ 5 liên tiếp số ca nhiễm trên 200.
Bộ Y tế tối nay công bố Hà Nội 216 ca nhiễm. Như vậy, còn một số ca nhiễm mới tại Hà Nội chưa được Bộ Y tế định mã số bệnh nhân.
Trong số ca nhiễm mới hôm nay, 100 ca cộng đồng phân bố tại 23 quận, huyện, gồm: Gia Lâm và Hai Bà Trưng đều 9; Đống Đa 8; Hoài Đức, Đông Anh, Hoàng Mai mỗi nơi 7; Nam Từ Liêm, Sơn Tây, Phú Xuyên, Ba Đình, Thanh Xuân, Hà Đông mỗi nơi 5; Mỹ Đức 4; Thanh Trì, Thanh Oai, Thường Tín mỗi nơi 3; Mê Linh, Quốc Oai, Chương Mỹ mỗi nơi 2; Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Cầu Giấy, Long Biên mỗi nơi 1.
Hà Nội ghi nhận 118 ca nhiễm khác ở khu cách ly và phong tỏa.
Tổng số ca nhiễm tại Hà Nội trong đợt dịch từ ngày 27.4 đến nay là 7.726, trong đó số cộng đồng 2.852, số là đối tượng đã được cách ly 4.874.
Nhân viên trạm y tế lưu động phường Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội diễn tập lấy mẫu xét nghiệm cho F0 giả định hôm 6.11. Ảnh: Đặng Tú
Ngày 21.11, Sở Y tế Hà Nội gửi công văn đến UBND các quận, huyện, thị xã, hướng dẫn triển khai cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19. Theo đó, các trạm y tế lưu động được thu dung, khám, điều trị cho F0 nhẹ, không triệu chứng; đồng thời phát hiện sớm, xử trí cấp cứu, kịp thời chuyển viện khi người bệnh tiến triển ở mức độ vừa và nặng.
Các trạm y tế lưu động không tiếp nhận F0 là phụ nữ mang thai, người mắc bệnh lý nền. Trạm chỉ tiếp nhận F0 không có triệu chứng lâm sàng hoặc mức độ nhẹ, bao gồm các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu như: sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi; đồng thời không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu oxy, nhịp thở dưới 20 lần/phút, SpO2 trên 96% khi thở khí trời.
Quận, huyện, thị xã có thể đề xuất mô hình tổ chức và ban quản lý điều hành trạm y tế lưu động phù hợp với tình hình địa phương. Các trạm y tế lưu động phải có bảng cảnh báo nền đỏ, chữ vàng Trạm Y tế lưu động - cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19: Không nhiệm vụ miễn vào. Trạm y tế lưu động phải bảo đảm kiểm soát và ngăn ngừa lây nhiễm Covid-19 ra cộng đồng.
Theo Sở Y tế Hà Nội, trạm y tế lưu động được trang bị một ô tô chuyên dụng, kíp 5 nhân viên y tế gồm một bác sĩ phụ trách, 2 điều dưỡng, một kỹ thuật viên, điều dưỡng xét nghiệm và một dược sĩ. Căn cứ số lượng F0, địa phương bố trí kíp nhân lực y tế phù hợp, bảo đảm điều kiện hoạt động của cơ sở.
Mỗi trạm y tế lưu động được chia làm 3 khu: khu vực đón tiếp, phân loại bệnh nhân; khu hành chính, hậu cần; khu cách ly, điều trị. Riêng khu vực cách ly, điều trị chia làm 2 nhóm người bệnh, là phòng điều trị F0 khỏe mạnh, không triệu chứng và phòng điều trị F0 triệu chứng nhẹ. Buồng bệnh bảo đảm thông thoáng, phòng nam và nữ riêng...
Hà Nội dự kiến sẽ thành lập 508 trạm y tế lưu động; như vậy, đến nay mới bắt đầu vận hành. Thời gian qua, nhiều quận, huyện đã tổ chức diễn tập triển khai trạm y tế lưu động. Thành phố cũng vừa cho phép cách ly F1 tại nhà. Tỷ lệ F1 chuyển thành F0 tại Hà Nội hiện cao gấp đôi giai đoạn trước tháng 10, ở mức 13%. Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân có thể do chậm phát hiện F0 khiến F1 lây nhiễm sâu trong cộng đồng, tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung...
Mô hình trạm y tế lưu động đã được các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh và Bình Dương triển khai hiệu quả trong đợt bùng phát dịch vừa qua và kể cả hiện nay. Khác với cách thức hoạt động trạm y tế tại Hà Nội (thu dung, điều trị F0), trạm y tế ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương... chủ yếu quản lý, điều trị F0 tận nhà và cấp phát các túi thuốc A (hạ sốt, vitamin C), B (kháng viêm, kháng đông), C (kháng virus molnupiravir) tùy tình trạng bệnh lý của bệnh nhân.
Theo VnExpress