Việc đưa lãi suất tối đa với các khoản tiền gửi dưới 12 tháng về 9% mới giúp giải quyết câu chuyện lãi suất cao. Trong khi đó, bài toán tiếp cận vốn vẫn nan giải.
Kể từ ngày 11-6, trần lãi suất huy động đối với tiền đồng được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh về 9%, so với mức 11% trước đó (áp dụng cho các kỳ hạn dưới 12 tháng). Riêng các kỳ hạn dưới một tháng, lãi suất về tối đa 2%. Nhưng trần lãi suất đối với các khoản vay từ 12 tháng trở lên được giao cho tổ chức tín dụng “tự định đoạt” dựa trên cơ sở thương lượng với khách hàng.
Trao đổi với báo chí hôm 10-6a, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, cơ sở để thực hiện thực hiện điều chỉnh này là do lạm phát có xu hướng giảm rõ rệt (cả năm dự báo chỉ khoảng 7-8%), thanh khoản ngân hàng được cải thiện, yêu cầu kích thích sản xuất - kinh doanh trong điều kiện cầu tiêu dùng kém, cũng như cụ thể hóa cam kết của Thống đốc về việc gỡ bỏ dần các biện pháp hành chính trong điều hành tiền tệ…
Các chuyên gia cho rằng sẽ khó có một cuộc đua lãi suất ở các kỳ hạn dài. Ảnh minh họa: Hoàng Hà |
Dù phải giảm lãi suất trong bối cảnh nguồn vốn huy động lãi suất cao vẫn đang ứ trong hệ thống, nhưng nhiều ngân hàng thương mại nhiệt tình hưởng ứng chủ trương của Ngân hàng Nhà nước. Trước khi quyết định của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, ngay tuần vừa rồi, một số ngân hàng đã giảm lãi suất cả đầu vào và đầu ra.
Theo ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, quyết định mới của Ngân hàng Nhà nước là một mũi tên trúng 4 đích: Doanh nghiệp, ngân hàng, người gửi tiền và Nhà nước. Theo ông Hưởng lãi suất 12-13% đã hợp lý để bắt đầu kinh doanh trở lại, vì vậy doanh nghiệp và ngân hàng có điều kiện tìm đến được với nhau, doanh nghiệp có vốn làm ăn, còn ngân hàng khơi thông được dòng vốn đang ứ đọng lâu nay.
"Về phía nhà nước, đây cũng sẽ là một cú kích cầu mới, giúp kích thích sản xuất kinh doanh trở lại. Trong khi đó, lợi ích của người gửi tiền vẫn được đảm bảo, với những người có tiền mà không muốn đầu tư kinh doanh, 9% là lợi tức hấp dẫn nếu so với kỳ vọng lạm phát 7-8% năm nay", ông Hưởng phân tích.
Tuy vậy quyết định giảm nhanh trần lãi suất huy động ngắn hạn (giảm 5% trong vòng hơn 2 tháng) nhưng lại thả trần lãi suất trung dài hạn đang dấy lên không ít nghi ngại chuyện chạy đua tăng lãi suất từ 12 tháng trở lên.
“Trong điều kiện sức khỏe ngân hàng còn chưa đồng đều, việc bỏ trần huy động trên 12 tháng có thể khiến các nhà băng lao tiếp vào cuộc đua tăng lãi suất ở các kỳ hạn dài. Nguồn vốn cho vay ra đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lâu dài, theo đó cũng đắt đỏ hơn”, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành lo ngại.
Trên thực tế, vốn vay dưới 12 tháng chủ yếu để phục vụ nhu cầu vốn lưu động, kinh doanh ngắn hạn. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất, phần lớn đều có nhu cầu vốn trung dài hạn. Mặt khác, hạ lãi suất ngắn hạn song các điều kiện tín dụng của ngân hàng vẫn rất khắt khe. Vì vậy trong bối cảnh phần lớn các doanh nghiệp đang ốm yếu, không phải ai cũng có thể đủ tiêu chuẩn để tiếp cận vốn ngân hàng.
Theo nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm, nguy cơ chạy đua đẩy lãi suất dài hạn lên cao có thể không xảy ra nếu Ngân hàng Nhà nước quyết tâm đưa ra phương án xử lý xong 9 ngân hàng yếu kém trong tháng 6.
"Như vậy, ít nhất sẽ không có chuyện các ngân hàng yếu kém có thể tiếp tục tham gia cuộc đua lãi suất, nhằm huy động vốn trong thời gian tới", ông nói.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần quy mô lớn thừa nhận mặc dù sẵn sàng cạnh tranh ưu đãi cho khách hàng tốt, nhưng nhiều ngân hàng vẫn dè dặt với các dự án vay vốn trung dài hạn.
"Một khi cho vay trung dài hạn, có nghĩa là phải gắn kết với doanh nghiệp đó trong thời gian dài, mà người trong nghề hay nói với nhau là “kết hôn” với doanh nghiệp. Muốn vậy, dự án kinh doanh của doanh nghiệp phải khả thi, hiệu quả tốt, độ an toàn cao, và bản thân doanh nghiệp cũng phải có uy tín, được ngân hàng tín nhiệm", ông nói.
Theo ông bối cảnh hiện nay, khi kinh tế vĩ mô chưa thực sự khởi sắc, các điều kiện thị trường thời gian tới chưa thực sự rõ ràng, nên không phải ngân hàng nào cũng hào hứng cho vay trung dài hạn, nếu có cho vay thì không phải doanh nghiệp nào cũng được vay. Cũng vì không mặn mà cho vay trung dài hạn, nên theo vị phó tổng này cho rằng khó có khả năng xảy ra cuộc đua đẩy lãi suất huy động kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Phó chủ tịch Ngân hàng Bưu điện Liên Việt Nguyễn Đức Hưởng cho biết, trong điều kiện tình hình tài chính lành mạnh, ngân hàng cũng “không dại” cho vay lãi suất quá cao. “Cho vay lãi cao, chẳng khác nào như đếm cua trong lỗ. Bởi lãi cao thì ít doanh nghiệp vay. Nếu vay thì hầu hết là các dự án rủi ro, rất khó thu hồi vốn”, ông Hưởng nói thêm. Ông cho biết, trước lần hạ trần lãi suất này, Liên Việt Post Bank đã cho doanh nghiệp tốt vay vốn lãi suất 11% và rất dè dặt nếu có khách hàng nào chấp nhận lãi suất quá cao.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, việc bỏ trần lãi suất tiền gửi dài hạn thực tế sẽ không dẫn tới một cuộc đua về huy động, gián tiếp khiến mặt bằng cho vay doanh nghiệp tăng cao. Bởi thực tế cho thấy rất ít doanh nghiệp cũng như ngân hàng nào trong giai đoạn hiện nay dám bỏ qua rủi ro, để ký một hợp đồng tín dụng dài đến 3 - 5 năm. “Lạm phát hiện có xu hướng đi xuống. Với đà này có thể xuống đến 5 - 6%. Như vậy, không anh nào dám ký một hợp đồng tín dụng 3 năm, với cái lãi khoảng 10% bây giờ cả”, ông Ánh phân tích.
Tuy vậy, theo nhận định của chuyên gia này, việc hạ trần huy động dưới 12 tháng, cũng như bỏ trần đối với các kỳ hạn dài thực tế cũng mới chỉ giải quyết được một nửa bài toán vốn cho doanh nghiệp là lãi suất, trong khi khả năng tiếp cận vốn vẫn còn nhiều nan giải. Tuy nhiên, thực tế này cũng đặt doanh nghiệp trước thách thức phải thay đổi nếu muốn khôi phục, mở rộng sản xuất. “Trên thế giới, gần như không có chuyện vay vốn ngân hàng để đầu tư trung - dài hạn. Nhưng ở ta, do chưa có kênh nào khác nên trước nay người ta vẫn làm. Nay ngân hàng như vậy, doanh nghiệp sẽ buộc phải năng động hơn nếu muốn có vốn đầu tư. Thị trường cổ phiếu, trái phiếu sẽ có cơ hội phát triển”, ông Ánh gợi ý.
PV (VnE)