Ý kiến của đại biểu Huỳnh Tuấn Dương, Đoàn Hải Dương.
Sau khi nghiên cứu, tôi cơ bản nhất trí với tờ trình của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội về dự án Luật Xuất bản (sửa đổi). Sau đây, tôi xin tham gia một số ý kiến vào dự thảo Luật như sau:
Về vị trí, mục đích của hoạt động xuất bản, ở điều 3 quy định hoạt động xuất bản thuộc lĩnh vực văn hóa tư tưởng. Tôi cho rằng phạm vi bao quát như vậy là chưa đầy đủ. Trong thực tế, hoạt động xuất bản không chỉ thuộc lĩnh vực văn hóa tư tưởng mà còn thuộc lĩnh vực chính trị, tôn giáo. Vì vậy, tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm các lĩnh vực này.
Về chính sách phát triển hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm ở điều 7, tôi đề nghị bỏ cụm từ "in, phát hành xuất bản phẩm" vì trong hoạt động xuất bản đã bao hàm đầy đủ in, phát hành xuất bản phẩm. Tôi cũng đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu để quy định chính sách xứng tầm với vị trí, vai trò của hoạt động nhà xuất bản như: quy hoạch mạng lưới nguồn nhân lực, chính sách thu hút đầu tư xã hội hóa...
Về những hành vi cấm trong hoạt động xuất bản ở điều 10, tôi đề nghị khoản 3, khoản 1 nên có sự thống nhất về nội dung. Ở khoản 3 có ghi: "Cấm tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước, bí mật quân sự an ninh", ở khoản 1 có ghi: "Cấm tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc". Tôi đề nghị bổ sung cụm từ "Cấm tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc".
Về nhiệm vụ và quyền hạn của Giám đốc, Tổng Biên tập nhà xuất bản, điều 19 quy định như vậy là đầy đủ, rõ ràng. Tôi đề nghị bổ sung thêm một mục về tiêu chuẩn nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Tổng Giám đốc, Phó Tổng Biên tập để phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Luật Xuất bản được đầy đủ.
...Tôi đề nghị giữ nguyên như luật hiện hành, UBND cấp tỉnh, thành phố cấp giấy phép cho cơ sở in của địa phương vì việc cấp phép cho cơ sở in xuất bản phẩm tại các địa phương đã phân cấp cho UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Việc cấp phép cho các cơ sở in đã được các tỉnh, thành phố thực hiện tốt, thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước về xuất bản trên địa bàn tỉnh, thành phố. Hơn nữa, hiện nay hầu hết các tỉnh đã thành lập đội liên ngành phòng, chống in lậu của tỉnh, thành phố, góp phần quản lý hoạt động xuất bản, in, phát hành tại địa phương. Theo dự thảo Luật Xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ phân cấp cho UBND cấp tỉnh, thành phố cấp phép cho các cơ quan cơ sở thực hiện trong các công đoạn chế bản in, in gia công sau in là không phù hợp với thực tế vì những năm gần đây hoạt động in phát triển mạnh, thiết bị ngành in tại các cơ sở in đều không nâng cấp đồng bộ cho tất cả các khâu, chế bản in và gia công sau in mới đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của đời sống xã hội. Mặt khác, việc cấp phép cho các cơ sở in, xuất bản phẩm do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép là không phù hợp với đề án cải cách thủ tục hành chính. Các cơ sở in tại địa phương phải làm thủ tục cấp phép tại Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tăng phí hành chính cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động in. Ngoài ra, khi Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động in cho tất cả các cơ sở in xuất bản phẩm trên tất cả địa bàn toàn quốc sẽ không thẩm định được thiết bị ngành in có đúng như hồ sơ xin cấp phép của các cơ sở in không, vì không có đủ nhân lực để đi đến tất cả các cơ sở in này để thẩm định, như vậy việc cấp phép không sát với thực tế.
Về nội dung xuất bản phẩm lưu chiểu và xuất bản phẩm cho Thư viện Quốc gia. Tôi nhất trí với 7 khoản của điều 27 và đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm 1 khoản nữa quy định xử phạt nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm quy định về nộp lưu chiểu. Được biết, Thư viện Quốc hội sẽ được thành lập, tôi đề nghị bổ sung quy định nộp lưu chiểu cho Thư viện Quốc hội. Thư viện Quốc hội nơi để cung cấp tài liệu, thông tin cho các nhà xây dựng chính sách. Thư viện Quốc hội cũng là nơi lưu giữ, bảo tồn văn hóa dân tộc nên quy định nộp lưu chiểu xuất bản phẩm cho Thư viện Quốc hội cũng nhằm hỗ trợ hoạt động xây dựng pháp luật của Quốc hội.