Dự thảo Báo cáo chính trị cần nhấn mạnh đến quy định về định kỳ tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân...
Qua đài, báo, tôi thấy trong nhiệm kỳ qua, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương đã có nhiều hoạt động tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, doanh nghiệp, kịp thời trả lời, giải quyết nhiều nội dung phát sinh, vướng mắc... Nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh đã đến tận cơ sở, tiếp thu, chỉ đạo tháo gỡ, giải quyết ngay một số nội dung, vụ việc phức tạp.
Mặc dù vậy, do đã chứng kiến những cuộc tiếp xúc không nhận được ý kiến của cử tri, không giải quyết được hoặc kiến nghị giải quyết không hiệu quả những vấn đề nhân dân nêu nên tôi đồng tình với đánh giá trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 về "việc đổi mới hình thức tiếp công dân và tiếp xúc cử tri chưa được thực hiện rộng rãi trong toàn tỉnh". Do vẫn hạn chế về hình thức, chất lượng hoạt động nên việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, cử tri ở một số địa phương của các tổ chức, đoàn thể chưa kịp thời, thiếu chính xác, dẫn đến phát sinh các vụ việc phức tạp, kéo dài, chậm được giải quyết.
Trong phần nhiệm vụ về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, dự thảo Báo cáo chính trị cần nhấn mạnh đến quy định về định kỳ tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân; gắn đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu, đại biểu dân cử với việc lắng nghe, giải quyết ý kiến, kiến nghị chính đáng của nhân dân. Trong thời đại bùng nổ thông tin, dự thảo cũng cần đề cập đến việc sử dụng các kênh thông tin công khai, minh bạch, trực tuyến để người dân, cử tri trao đổi, kiến nghị và giám sát việc giải quyết các kiến nghị.
TRẦN VĂN LỰC
(xã Vĩnh Hòa, Ninh Giang)