Để có các kỳ bầu cử thành công phải kể đến vai trò quan trọng của những người phục vụ ở các tổ bầu cử.
Ông Lê Xuân Ức (bên phải) ở khu dân cư Khánh Hội, phường Nam Đồng (TP Hải Dương) cùng thành viên tổ bầu cử trang trí khánh tiết
Khắc phục khó khăn
Ông Nguyễn Văn Bình, 66 tuổi, Tổ trưởng Tổ bầu cử số 5 thôn Tráng Liệt, xã Thanh Sơn (Thanh Hà) có hơn 10 năm làm Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, tham gia công tác bầu cử 7 nhiệm kỳ liên tiếp. Ông Bình kể: "Tôi còn nhớ lần đầu tiên được tham gia tổ bầu cử từ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IX nhiệm kỳ 1992-1997. Ngày đó, riêng công tác trang trí cũng gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi phải đi mượn bàn ghế cả thôn, rồi tự đi chặt tre, vót que, dựng cột, cắt chữ, kẻ vẽ khẩu hiệu tuyên truyền chứ không được cấp phát như bây giờ. Bấy giờ, để tìm được người viết và cắt chữ đẹp trong làng khó lắm, lại phải vận động làm sao để người ta làm giúp mình. Thời đó khó khăn nên không có tiền để trả thù lao cho họ mà trả bằng thóc để động viên, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc chung, ai cũng vui vẻ hoàn thành tốt nhiệm vụ".
Ông Nguyễn Khắc Nam, 67 tuổi, tổ viên Tổ bầu cử số 1 ở thôn Bắc, xã Cổ Dũng (Kim Thành) tham gia công tác phục vụ bầu cử từ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa X nhiệm kỳ 1997-2002. Đến cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV nhiệm kỳ 2016-2021, ông được phân công làm Tổ trưởng Tổ bầu cử số 1 thôn Bắc. Đây cũng là lần làm nhiệm vụ để lại trong ông ấn tượng sâu đậm nhất. Vào tối ngày bầu cử 22.5.2016, Tổ bầu cử số 1 đã hoàn thành việc đóng hòm phiếu theo quy định. Ông Nam cùng các thành viên trong tổ đến UBND xã Cổ Dũng để báo cáo, nhập số liệu kết quả bầu cử vào máy tính. Vì tuổi cao, lại chưa thuần thục sử dụng công nghệ thông tin nên ông Nam nhập thiếu một số phiếu không hợp lệ, dẫn đến kết quả trên máy tính không trùng khớp với bản ghi tay. Sau nhiều lần kiểm tra, rà soát lại, số liệu đã chính xác, mãi đến 2 giờ sáng hôm sau ông mới hoàn thành công việc và an tâm trở về nhà.
Đó chỉ là một trong những kỷ niệm của ông Nam trong suốt nhiều năm tham gia phục vụ bầu cử. Ông Nam cho biết cuộc bầu cử năm nay rất đặc biệt vì tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Tổ bầu cử số 1 đã sẵn sàng xây dựng phương án để bảo đảm phòng chống dịch. Nước sát khuẩn tay, máy đo thân nhiệt, khẩu trang, quần áo bảo hộ... đã có đầy đủ. Để bảo đảm công tác phòng dịch cho ngày bầu cử, trước ngày bầu cử, Tổ bầu cử số 1 sẽ rà soát, kiểm tra kỹ danh sách cử tri, xác định cụ thể các cử tri thuộc trường hợp đang thực hiện cách ly y tế, cách ly tại nhà, các trường hợp khác không thể đến phòng bỏ phiếu. Nếu thôn có người đang cách ly tại nhà, đến ngày bầu cử, tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu cử đến nơi ở, nơi cư trú của cử tri đang được cách ly để cử tri nhận phiếu bầu và bỏ phiếu, đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch trước khi đưa hòm phiếu về khu vực bỏ phiếu.
Nêu cao trách nhiệm
Công tác chuẩn bị các phần việc cuối cùng cho ngày bầu cử đang được các thành viên tổ bầu cử hoàn tất với tinh thần trách nhiệm cao. Ông Lê Xuân Ức, 70 tuổi ở khu dân cư Khánh Hội, phường Nam Đồng (TP Hải Dương) là người có uy tín tại địa phương, nhiều năm làm Bí thư Chi bộ, Trưởng khu dân cư. Năm nay, ông Ức là tổ viên Tổ bầu cử số 6 khu dân cư Khánh Hội. Thời điểm sắp diễn ra bầu cử, công việc của ông Ức và tổ bầu cử càng hối hả, gấp rút. Về địa phương, chúng tôi gặp ông Ức cùng các thành viên trong tổ đi phát thẻ cử tri cho người dân, sẵn sàng “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền cho người dân hiểu về trách nhiệm và nghĩa vụ khi tham gia bầu cử. Ông Ức kể: "Chúng tôi là những người gần dân nhất nên gặp áp lực về nhiều phía, nhưng được đảng viên và nhân dân tin tưởng nên công việc đều hoàn thành suôn sẻ, nhất là công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tới đây".
Còn ông Nguyễn Văn Bình, Tổ trưởng Tổ bầu cử số 5 thôn Tráng Liệt, xã Thanh Sơn (Thanh Hà) đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác chuẩn bị bầu cử từ việc rà soát, niêm yết danh sách cử tri, người ứng cử, trang trí pa nô, kẻ vẽ các khẩu hiệu, dán áp phích, treo hồng kỳ cho đến công tác tuyên truyền bầu cử tới từng người dân. Ông Bình chia sẻ: “Tôi luôn giải thích cho bà con phải có trách nhiệm với lá phiếu của mình, không được đi bầu thay. Khi cầm lá phiếu và cây bút trên tay phải cân nhắc thật kỹ bỏ phiếu cho ai, tránh tư tưởng theo số đông, không tìm hiểu kỹ về người mình bỏ phiếu. Phải biết lựa chọn người có đức, có tài thì quê hương mình mới phát triển được".
Hiện nay, công tác bầu cử ở cơ sở đa số vẫn dựa vào những người tuổi đời không còn trẻ. Với kinh nghiệm, uy tín của mình, họ là những hạt nhân góp phần quan trọng vào thành công của cuộc bầu cử.
THÀNH ÐẠT