Thành lập năm 2006, đến nay, Hội nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin tỉnh đã trở thành địa chỉ tin cậy chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Chiều 9-8, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin huyện Kinh Môn phối hợp với Bệnh viện Đa khoa huyện tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 50 nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn. Các nạn nhân đã được khám, chẩn đoán các bệnh liên quan đến đường hô hấp, tim mạch, xương khớp, tư vấn cách phòng và điều trị một số bệnh thường gặp trong thời tiết giao mùa và tặng quà trị giá 100 nghìn đồng/suất |
Ở tỉnh ta, hiện có trên 4.800 nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) đang được hưởng trợ cấp của Nhà nước, trong đó 20 hộ có 4 nạn nhân, 70 hộ có 3 nạn nhân, 639 hộ có 2 nạn nhân. Thành lập năm 2006, đến nay, Hội NNCĐDC/đi-ô-xin tỉnh đã trở thành địa chỉ tin cậy chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Với tiêu chí, chăm sóc NNCĐDC, giúp họ vươn lên trong cuộc sống, ngay khi thành lập, hội đã cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), Phòng LĐ-TB-XH các huyện, thị xã, thành phố nắm số lượng, gia cảnh nạn nhân để có biện pháp hỗ trợ. Việc chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân được hội tiến hành với nhiều hình thức, từ trực tiếp thăm hỏi, tặng quà các ngày lễ, Tết, Ngày Vì NNCĐDC đến hỗ trợ tiền làm nhà, sửa nhà, tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí... Trong những năm gần đây, các hình thức hỗ trợ mở rộng dưới dạng trợ giúp giống, vốn, vật nuôi... để các gia đình có điều kiện phát triển kinh tế. Từ năm 2006 đến năm 2009, Tỉnh hội đã tặng quà cho 627 nạn nhân; trợ giúp giống, vốn, thuốc chữa bệnh cho 210 người; hỗ trợ làm nhà cho 21 hộ; tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 150 trường hợp; cấp 8 xe lăn, cấp vật phẩm cho 500 nạn nhân... với tổng số tiền gần 800 triệu đồng. Tính hết năm 2009, Tỉnh hội cùng các cấp hội địa phương phối hợp đã chăm sóc, giúp đỡ trên 2.000 lượt NNCĐDC, với tổng số tiền trên 900 triệu đồng. 6 tháng đầu năm nay, Tỉnh hội cũng đã trao tặng 108 suất quà trị giá 24,6 triệu đồng; các hội cấp huyện trao 175 suất quà trị giá hơn 28 triệu đồng cho các NNCĐDC.
Xác định quỹ hội là nguồn kinh phí để chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân, Hội NNCĐDC/đi-ô-xin tỉnh đã gửi thư hoặc trực tiếp tới các cơ quan, doanh nghiệp vận động, được các tổ chức hưởng ứng. Năm 2007, hội tổ chức quyên góp “Quỹ trợ giúp NNCĐDC” được gần 1,1 tỷ đồng; các hội cấp huyện nhận được ủng hộ trên 600 triệu đồng. Năm 2009, chương trình giao lưu “Công lý trái tim và Nỗi đau còn đó” nhận được ủng hộ gần 250 triệu đồng. Đến hết tháng 6-2010, các cấp hội đã kêu gọi quyên góp được trên 2,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Thường trực Tỉnh hội đã giới thiệu hàng trăm địa chỉ gia đình nạn nhân khó khăn để Hội Cựu chiến binh tỉnh Phú Yên, Hội Đồng hương Hải Dương ở TP Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp... trao quà, giúp đỡ. Mặt khác, hội cũng đẩy mạnh tuyên truyền về NNCĐDC tới các tổ chức trong nước và quốc tế: Làm việc với đoàn Việt kiều Mỹ và báo chí Thụy Điển về NNCĐDC tỉnh; chụp ảnh, ghi hình tham gia chương trình triển lãm ảnh quốc tế do Trung ương Hội tổ chức; sát cánh cùng Trung ương Hội, các nạn nhân đấu tranh đòi các công ty sản xuất hóa chất của Mỹ, Chính phủ Mỹ phải có trách nhiệm bồi thường cho NNCĐDC/đi-ô-xin Việt Nam.
Để nâng cao chất lượng hoạt động, việc xây dựng, phát triển cấp hội cơ sở được đặc biệt chú trọng. Từ thành lập điểm Hội NNCĐDC huyện Thanh Hà, đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 10 hội cấp huyện, trên 80 hội cấp xã. Trong đó, các huyện Kim Thành, Thanh Hà và thị xã Chí Linh đã thành lập được hội và chi hội cơ sở. Chung sức với Tỉnh hội, hội cấp huyện và cơ sở nhanh chóng tỏ rõ vai trò bằng việc vận động xây dựng quỹ, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân. Huyện hội Nam Sách, Thanh Hà gây được trên 100 triệu đồng tiền quỹ; hội thị xã Chí Linh, huyện Kinh Môn vận động được trên 40 triệu đồng... Ông Nguyễn Văn Thùy, Chủ tịch Hội NNCĐDC/đi-ô-xin tỉnh cho biết: Mục đích của hội là tất cả các NNCĐDC trong tỉnh được hưởng sự chăm sóc, giúp đỡ. Để làm được điều đó, hội cấp huyện và cơ sở đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, đến nay trong tỉnh còn 2 huyện Bình Giang và Thanh Miện chưa triển khai thành lập được hội cấp huyện. Có địa phương thành lập được huyện hội nhưng đến nay vẫn không có trụ sở hoạt động, không thành lập được các chi hội.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, những ngày tháng 8 này, các hoạt động của các cấp hội hướng về NNCĐDC vẫn diễn ra ở khắp các địa phương, như: Hỗ trợ 64 triệu đồng xây mới, sửa nhà cho 10 nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn tại các huyện: Kim Thành, Gia Lộc, Thanh Hà, Kinh Môn và thị xã Chí Linh; phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Cẩm Giàng tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho 35 nạn nhân với tổng số tiền gần 10 triệu đồng; tặng 11 suất quà cho các NNCĐDC và tặng 1 triệu đồng tiền thuốc cho cháu Hoàng Thị Bình, NNCĐDC bị ung thư máu ở xã Hiệp An (Kinh Môn); tặng 43 suất quà trị giá 15 triệu đồng cho các nạn nhân ở thị xã Chí Linh... Đặc biệt đã xuất hiện nhiều tấm lòng từ thiện: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Bắc Hải Dương (thị xã Chí Linh) hỗ trợ xây nhà cho nạn nhân Lý Văn Hùng ở xã Bắc An trị giá 30 triệu đồng; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ tiền làm nhà trị giá 20 triệu đồng cho nạn nhân Nguyễn Thị Mây, ở xã Hoàng Hanh (Ninh Giang); Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam hỗ trợ 26 triệu đồng cho nạn nhân Vũ Thị Dung ở xã Quang Khải (Tứ Kỳ); Công ty CP Khai thác chế biến khoáng sản Hải Dương ủng hộ Quỹ NNCĐDC tỉnh 5 triệu đồng; Công ty TNHH Minh Hải ủng hộ 3 triệu đồng...
Với vai trò và những kết quả đáng ghi nhận trên, Hội NNCĐDC/đi-ô-xin tỉnh đã trở trành chỗ dựa, giúp xoa dịu bớt nỗi đau cho các NNCĐDC. Tuy nhiên, để các cấp hội phát huy hết vai trò trong công tác chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC, rất cần sự chung tay góp sức của chính quyền và toàn xã hội.
NGỌC HÙNG