Sau 5 năm thực hiện, Đề án “Xây dựng làng an toàn, khu dân cư an toàn; cơ quan, doanh nghiệp an toàn về an ninh trật tự” đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Công an xã Tuấn Hưng (Kim Thành) là lực lượng nòng cốt bảo đảm an ninh trật tự ở địa phương
Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010-2015, Công an tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và ban hành Đề án “Xây dựng làng an toàn, khu dân cư an toàn; cơ quan, doanh nghiệp an toàn về an ninh trật tự”. Sau 5 năm thực hiện, đề án đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Nhiều mô hình hay, sáng tạoTrước đây, tình hình an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn xã Đồng Tâm (Ninh Giang) khá phức tạp do ở đây có nhiều khu di tích, cơ quan, doanh nghiệp và nhiều tuyến giao thông quan trọng chạy qua. Thực hiện đề án "Xây dựng làng an toàn, khu dân cư an toàn; cơ quan, doanh nghiệp an toàn về ANTT", năm 2011, UBND xã Đồng Tâm triển khai xây dựng mô hình "Tiếng kẻng an ninh" tại 3 thôn và duy trì mô hình "Tổ an ninh tự quản" tại thôn Tranh Xuyên. Kẻng được đặt tại nhà văn hóa thôn. Cứ đúng 22 giờ, kẻng sẽ đồng loạt được gõ ở cả 3 thôn. Sau tiếng kẻng này, mọi hoạt động vui chơi, giải trí đều phải dừng lại. Các gia đình tự giác bảo nhau kiểm tra lại tài sản, khóa cửa chắc chắn trước khi đi ngủ. Khi có hỏa hoạn, thiên tai, đối tượng trộm cắp tài sản, gây mất ANTT... tiếng kẻng cũng sẽ được gióng lên để báo hiệu. Khi đó, lực lượng công an xã, dân quân tự vệ nhanh chóng vào cuộc để ngăn chặn đối tượng, còn nhân dân đồng loạt bật hệ thống đèn chiếu sáng trên các tuyến đường liên thôn, xã và thức dậy phối hợp với lực lượng công an bảo đảm ANTT. Nhờ thực hiện mô hình "Tiếng kẻng an ninh", ý thức cảnh giác, bảo vệ tài sản của người dân trong xã được nâng lên. Quần chúng nhân dân tích cực cung cấp thông tin giá trị cho Công an xã, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Họ đạo Thúy Lâm ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn được Công an huyện Thanh Hà lựa chọn để xây dựng điểm mô hình “Họ đạo an toàn về ANTT”. UBND xã Thanh Sơn đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng mô hình do Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban với sự tham gia của các ngành, đoàn thể và đại diện Ban Hành giáo. Ban chỉ đạo đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn bà con giáo dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Quy ước xây dựng “Họ đạo Thúy Lâm an toàn về ANTT” cũng đã được ban hành. Trong các buổi lễ tại nhà thờ, Ban Hành giáo thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở về các nội dung trong quy ước nên giáo dân luôn chấp hành nghiêm. Do đó, nhiều năm qua, họ đạo Thúy Lâm không có người phạm tội và mắc tệ nạn xã hội.
Đại An là một trong những khu công nghiệp (KCN) lớn của tỉnh, có nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang hoạt động. Thực hiện đề án “Xây dựng làng an toàn, khu dân cư an toàn; cơ quan, doanh nghiệp an toàn về ANTT”, tháng 6-2012, KCN Đại An đã được tỉnh lựa chọn xây dựng mô hình điểm "KCN an toàn về ANTT". Các doanh nghiệp trong KCN ký kết giao ước thi đua với các nội dung: thực hiện nghiêm các chính sách, pháp luật Việt Nam; các nội quy, quy định của KCN và nội dung quy ước xây dựng KCN an toàn về ANTT. Hạn chế đến mức thấp nhất cán bộ và người lao động vi phạm chính sách pháp luật của Việt Nam. Tăng cường quản lý, tuyên truyền, giáo dục cán bộ, người lao động nâng cao cảnh giác với các hoạt động tội phạm. Chủ động và tự giác tham gia công tác bảo vệ an toàn tài sản của doanh nghiệp và cá nhân, an toàn tính mạng và sức khỏe của người lao động. Các doanh nghiệp chủ động xây dựng nội quy, quy định cụ thể về bảo vệ ANTT và tổ chức tốt các lực lượng bảo vệ, lực lượng công nhân tự quản về ANTT tại doanh nghiệp mình. Xây dựng nếp sống văn hóa trong doanh nghiệp, không để xảy ra cháy nổ và các tệ nạn xã hội, các vi phạm về ô nhiễm môi trường. Các doanh nghiệp có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với nhau, với chính quyền địa phương và lực lượng công an trong công tác bảo đảm ANTT. Chủ động phát hiện, báo tin, tố giác tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Lãnh đạo các doanh nghiệp phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác bảo vệ ANTT và chịu trách nhiệm về việc bảo đảm ANTT tại cơ quan, doanh nghiệp mình. Không chỉ tổ chức cho các doanh nghiệp trong KCN ký giao ước thi đua, KCN Đại An còn ký cam kết giao ước thi đua bảo đảm ANTT với chính quyền sở tại. Nhờ đó, tình hình ANTT trong KCN luôn được giữ vững, giúp các nhà đầu tư yên tâm sản xuất, kinh doanh, công nhân yên tâm làm việc.
Theo đánh giá của Phòng Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (Công an tỉnh), kết quả nổi bật nhất khi thực hiện đề án "Xây dựng làng an toàn, khu dân cư an toàn; cơ quan, doanh nghiệp an toàn về ANTT" là hiện nay phần lớn các thôn, khu dân cư (KDC), cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đều xây dựng được các mô hình tự quản, tự phòng ngừa về ANTT phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương, đơn vị mình. Điển hình như mô hình "Họ đạo an toàn về ANTT" tại địa bàn có giáo dân, "Dòng họ hiếu học, an toàn về ANTT" tại các dòng họ, "Tiếng kẻng an ninh", "Làng không có tội phạm", "Tổ hòa giải ANTT" tại các thôn, KDC, "Xóm liên gia tự quản về ANTT" đối với các hộ liền kề; "Cụm liên kết về ANTT" tại các vùng giáp ranh… Trong đó, mô hình "KCN Đại An an toàn về ANTT" và "Trường học an toàn về ANTT" ở Trường Đại học Sao Đỏ được Bộ Công an đánh giá cao và chỉ đạo nhân rộng ra toàn quốc.
Củng cố tình làng nghĩa xómĐề án “Xây dựng làng an toàn, KDC an toàn; cơ quan, doanh nghiệp an toàn về ANTT” đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tham gia bảo đảm, giữ gìn ANTT chứ không phó mặc cho lực lượng công an như trước đây. MTTQ, các ngành, đoàn thể phát động và đẩy mạnh một số phong trào như "Toàn dân tham gia phát hiện, tố giác tội phạm và cảm hóa giáo dục, cải tạo người lầm lỗi tại gia đình và cộng đồng dân cư", "Phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh, thiếu niên", "Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội"…
Việc xây dựng KDC, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường an toàn về ANTT đã tạo sự chuyển biến và hiệu quả rõ rệt trong công tác bảo vệ ANTT. Các vụ việc phát sinh trong thôn, KDC giảm đáng kể hoặc được hòa giải ngay từ cơ sở, không để phát sinh diễn biến phức tạp. Ý thức của quần chúng nhân dân trong bảo vệ tài sản, phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm được nâng lên. Quần chúng nhân dân đã tham gia phối hợp cùng các lực lượng công an bắt và vận động 174 đối tượng có lệnh truy nã ra đầu thú, cung cấp thông tin giúp chính quyền cơ sở đưa vào diện quản lý, cảm hoá, giáo dục 3.569 đối tượng. Qua công tác tham gia quản lý, cảm hoá, giáo dục, nhân dân đã giúp đỡ được 1.915 người có tiến bộ. Toàn tỉnh hiện có 728 làng, KDC (tăng 370 làng, KDC), 77 xã, phường, thị trấn (tăng 52), 94 cơ quan (tăng 62), 48 doanh nghiệp (tăng 25), 192 nhà trường đạt an toàn về ANTT (tăng 105 so với năm 2011).
Đề án “Xây dựng làng an toàn, KDC an toàn; cơ quan, doanh nghiệp an toàn về ANTT” được triển khai, thực hiện có hiệu quả đã giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, vấn đề phức tạp trong làng, KDC, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, góp phần giữ vững ổn định ANTT, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
HẠNH DUYÊN