Xử lý nghiêm hành vi lợi dụng mạng xã hội để chống phá quân đội

22/12/2021 08:05

Để ngăn chặn và hạn chế đến mức thấp nhất những thông tin xấu độc nhằm vào quân đội hiện nay, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của mỗi cán bộ, chiến sĩ và mỗi người dân.

Hướng tới kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22.12 và Ngày hội Quốc phòng toàn dân, một số trang mạng lề trái tăng cường sử dụng các tài khoản Facebook, Twitter, YouTube… lợi dụng một số thông tin liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của quân đội để xuyên tạc, chống phá quân đội ta.

Chúng dùng những thông tin, hình ảnh về quân nhân vi phạm kỷ luật, pháp luật như hình ảnh chiến sĩ cũ bắt nạt chiến sĩ mới; cán bộ, sĩ quan uống rượu bia say; quân nhân vi phạm  giao thông… Trong số đó có không ít vụ việc, thông tin đã cũ, đã được xử lý nhưng lại được làm mới và tô vẽ, nhào nặn, bóp méo, nhằm bôi nhọ, xuyên tạc hình ảnh và phẩm chất truyền thống tốt đẹp của bộ đội Cụ Hồ.

Gần đây, chúng cố tình khơi lại sự việc tử vong của quân nhân Trần Đức Đ. (Quân khu 1) và quân nhân Nguyễn Văn T. (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai) để đăng tải, chia sẻ nhiều thông tin bôi nhọ, hạ thấp uy tín, danh dự của quân đội; kích động, chia rẽ mối đoàn kết quân - dân, xúi giục thanh niên không thực hiện nghĩa vụ quân sự…

Nguy hiểm hơn, các thông tin bịa đặt, xuyên tạc đó được chúng tán phát vào các thời điểm khá “nhạy cảm” như dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, trước mùa tuyển quân, giao nhận quân hoặc trước các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, của quân đội… để tạo sự chú ý của dư luận.

Quân đội nhân dân Việt Nam - tiền thân là Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, được thành lập ngày 22.12.1944. Ngay từ khi ra đời, theo Chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam vừa làm nhiệm vụ chiến đấu, đánh giặc, vừa làm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động cách mạng trong quần chúng nhân dân, phát triển lực lượng, đồng thời phải tăng gia sản xuất, tự túc lương thực, thực phẩm để nuôi quân, mua sắm vũ khí, trang bị để chiến đấu và công tác. Như vậy, từ khi được thành lập đến nay, quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì Tổ quốc, vì nhân dân mà chiến đấu, phục vụ; luôn gắn bó máu thịt với nhân dân...

Để ngăn chặn và hạn chế đến mức thấp nhất những thông tin xấu độc nói chung, thông tin xấu độc nhằm vào quân đội nói riêng hiện nay, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các cấp, ngành, địa phương, mỗi cán bộ, chiến sĩ và mỗi người dân. Các cơ quan, đơn vị cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, quán triệt nâng cao nhận thức, phát huy ý thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong chấp hành điều lệnh, điều lệ, kỷ luật của quân đội, pháp luật của Nhà nước. Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần chú trọng công tác quản lý, duy trì nghiêm kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy. Đội ngũ cán bộ các cấp gương mẫu, gần gũi, nắm bắt tư tưởng, tâm tư nguyện vọng và thường xuyên động viên, chia sẻ, hướng dẫn, giúp đỡ cấp dưới, chiến sĩ trong công tác, sinh hoạt, học tập. Các cơ quan, đơn vị tiến hành tốt việc định hướng tư tưởng, nhận thức và hành động cho bộ đội trước những thông tin xấu độc từ mạng xã hội. Khi xảy ra vụ việc cần báo cáo kịp thời; phối hợp các cơ quan, lực lượng chức năng khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm, công bố công khai, minh bạch thông tin, không bao che, giấu giếm, xử lý nghiêm minh các vi phạm theo đúng quy định.

Các cơ quan chức năng thường xuyên theo dõi, đấu tranh, kịp thời bóc gỡ những thông tin bôi nhọ, xúc phạm danh dự của quân đội; xúi giục, kích động chia rẽ mối đoàn kết quân - dân; ngăn cản công dân thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự... để vạch trần bản chất, âm mưu kích động, chống phá của chúng; khi có đủ căn cứ cần tiến hành xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

NGUYỄN THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xử lý nghiêm hành vi lợi dụng mạng xã hội để chống phá quân đội