Thể thao điện tử không phải cái cớ để nghiện game

10/05/2022 08:30

Chơi game để giải trí sau mỗi giờ học căng thẳng là điều bình thường, nhưng trở thành tuyển thủ chuyên nghiệp lại là câu chuyện khác.

Đang nhâm nhi thưởng thức cà phê sáng cuối tuần, tôi giật mình khi nghe trong nhóm 6 thiếu niên ngồi cạnh có bạn thốt lên: “Tớ sẽ cố gắng để trở thành tuyển thủ thể thao điện tử (eSports), cần phải chơi nhiều mới lên tay được”. Các bạn khác cùng nhóm có vẻ tán đồng lắm. 

Chơi game để giải trí sau mỗi giờ học căng thẳng là điều bình thường, nhưng trở thành tuyển thủ chuyên nghiệp như mong muốn của nhóm bạn này lại là câu chuyện khác.

SEA Games 30 (2019) là kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần đầu tiên trong lịch sử đưa eSports vào danh sách bộ môn cạnh tranh huy chương. Việt Nam là 1 trong 8 quốc gia tham dự ở các nội dung liên quan. Đây là cột mốc lịch sử đánh dấu bước ngoặt của eSports, khi bộ môn này được thừa nhận như một bộ môn thể thao chính thống tính huy chương tại một kỳ đại hội thể thao, được công nhận bởi Ủy ban Olympic quốc tế. Ở kỳ SEA Games đó, Việt Nam đã giành 3 huy chương đồng. Tại kỳ SEA Games 31 tới đây, eSports tiếp tục nằm trong danh sách cạnh tranh huy chương với nhiều bộ môn như Liên minh huyền thoại, Tốc chiến, Liên quân Mobile…

Cần khẳng định rằng ước mơ trở thành game thủ chuyên nghiệp của nhiều bạn trẻ khi eSports ngày càng phát triển là chính đáng. Vừa được chơi game, vừa kiếm ra tiền, trở thành người nổi tiếng với lượng người hâm mộ hùng hậu… là giấc mơ của rất nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, con đường đi đến ánh hào quang ấy vô cùng chông gai, gian khổ mà không phải ai cũng vượt qua được.

Các bạn trẻ cần hiểu rằng tuổi nghề của game thủ chuyên nghiệp khá ngắn ngủi. Thường thì các game thủ chuyên nghiệp trên thế giới sẽ giải nghệ ở độ tuổi 30, bởi đó là khi phản xạ của não bộ, sự khéo léo trong thao tác bàn phím đã suy giảm. Sẽ làm gì sau khi giải nghệ khi tuổi đời còn trẻ cũng là vấn đề cần cân nhắc, kinh nghiệm thi đấu eSports được nhận định sẽ không có quá nhiều giá trị khi game thủ trưởng thành hơn.

Khác với các môn thể thao khác, eSports buộc game thủ phải ngồi trước màn hình máy tính hoặc điện thoại thông minh trong thời gian dài. Sức khỏe bị ảnh hưởng là điều chắc chắn. Thị lực giảm sút, cột sống chịu tổn thương, căng thẳng thần kinh… là những thực tế xảy đến với game thủ chuyên nghiệp.

Quan trọng hơn, tuyển thủ eSports chuyên nghiệp không dễ kiếm tiền như nhiều bạn trẻ lầm tưởng. Khi các nền tảng trực tuyến như YouTube, Twitch… ngày càng phát triển, các bạn trẻ, nhất là game thủ thường kiếm tiền thông qua việc livestream (quay video phát trực tiếp) mỗi ngày. Nhưng nếu kênh không đủ hấp dẫn, lượt view, lượt đăng ký nghèo nàn… thì sẽ khó có thể nuôi mộng kiếm tiền.

Đứng trước những sự lựa chọn, các thanh thiếu niên thường mất đi sự cân bằng do mơ mộng quá nhiều trong khi thiếu kiến thức thực tế. Chia sẻ với con em mình về những thực tế mà một game thủ chuyên nghiệp phải đối mặt, phân tích những điều tích cực đi kèm tiêu cực là điều các bậc phụ huynh cần làm. Phụ huynh cũng có thể cho con em cơ hội để chơi game, nâng cao trình độ bản thân nhưng cần nghiêm khắc trong quản lý việc học tập, không thể vì thế giới ảo mà bỏ bê trách nhiệm của một học sinh, sinh viên.

Trong nhiều năm qua, một số bạn trẻ đã thành công khi lựa chọn theo đuổi mục tiêu trở thành game thủ eSports, thậm chí có người đang thi đấu cho đội tuyển ở nước ngoài. Do đó, ước mơ eSports chuyên nghiệp cũng tương tự thể thao truyền thống. Với các bạn trẻ, khi đã mơ trở thành game thủ chuyên nghiệp thì cần nhìn nhận mọi thứ một cách chuyên nghiệp. Đừng để giấc mơ ấy trở thành cái cớ cho việc nghiện game, ảnh hưởng tới cuộc sống hiện tại, nhất là việc học hành.

SONG TƯỜNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thể thao điện tử không phải cái cớ để nghiện game