Tác hại của ngại học nghị quyết

24/05/2022 10:37

Có thể nhận thấy, một trong những biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mà các cấp ủy, tổ chức đảng nhắc đến nhiều là việc một số cán bộ, đảng viên lơ là, ngán ngại học tập nghị quyết.

Trong khi học nghị quyết, một số đảng viên không có hứng thú, chỉ xem đó là việc buộc phải làm nên dự lớp với thái độ miễn cưỡng. Trên lớp nghe trình bày nhưng không ghi chép, làm việc riêng trong lúc học, kể cả đọc báo, sử dụng điện thoại, máy tính bảng... Đảng viên không tìm hiểu thêm những thông tin liên quan đến nội dung được truyền đạt, để hiểu rõ hơn vấn đề hoặc phản biện ý kiến chưa xác đáng của báo cáo viên. Thậm chí, có người bỏ học nửa chừng, nhất là sau khi đã điểm danh. Sau học nghị quyết không viết hoặc viết chiếu lệ, sao chép bài thu hoạch (nếu lớp học yêu cầu viết thu hoạch).

Những biểu hiện trên đây có nhiều nguyên nhân, trước hết về khách quan, có thể do cấp ủy chưa triển khai, quán triệt đầy đủ kế hoạch học tập nghị quyết, chưa chuẩn bị tài liệu phù hợp cho đảng viên, tổ chức lớp học vào thời điểm không thuận lợi, báo cáo viên trình bày thiếu hấp dẫn, sinh động... Về mặt chủ quan đó là ý thức, trách nhiệm của đảng viên chưa cao; chưa tích cực tự học, tự rèn trong việc nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt nghị quyết để nâng cao trình độ, tư duy lý luận của bản thân.

Sự ngán ngại, lơ là học tập nghị quyết gây nhiều tác hại không chỉ cho bản thân cán bộ, đảng viên mà còn cho tổ chức đảng. Đối với bản thân mỗi đảng viên, không tích cực học tập sẽ khó có điều kiện nắm bắt được các chủ trương, định hướng mới, các nhận định của Đảng về tình hình mới, sự vận động của các trào lưu tư tưởng mới… dẫn đến “đóng khung” kiến thức. Đối với tổ chức đảng, việc có những đảng viên có hạn chế trong nắm bắt chủ trương, đường lối có thể khiến các tế bào của Đảng không thực sự khỏe mạnh, tính chiến đấu giảm sút. Nếu các tổ chức đảng có nhiều đảng viên thụ động, không nắm chắc được nghị quyết thì việc triển khai thực hiện các quyết sách sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí dễ sai lầm, lệch hướng. Nhìn rộng hơn, một đảng cầm quyền mà không nắm vững đường lối của Đảng mình thì ảnh hưởng không nhỏ đến vai trò lãnh đạo và sức thuyết phục của Đảng đối với quần chúng nhân dân.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của việc học tập nghị quyết của Đảng. Người cho rằng: "Cần nghiên cứu sâu để thấm nhuần tinh thần nghị quyết; nghiên cứu càng sâu thì càng thêm phấn khởi, hoàn thành nhiệm vụ càng tốt. Nhưng cán bộ thấm nhuần chưa đủ. Phải làm cho tinh thần nghị quyết thấm nhuần trong toàn Đảng, toàn dân, làm cho mọi người thấy hết thắng lợi, khả năng và khó khăn của ta, thấy rõ khả năng của ta to lớn hơn khó khăn nhiều, làm sao cho mọi người vui vẻ, hăng hái làm tròn nhiệm vụ, vì khi nhân dân vui vẻ, hăng hái thì mọi khó khăn sẽ vượt được". 

Cấp ủy đảng các cấp cần chú trọng nâng cao ý thức tự giác, trách nhiệm học tập nghị quyết của cán bộ, đảng viên. Học nghị quyết của Đảng vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền lợi của cán bộ, đảng viên nhằm nâng cao nhận thức chính trị, củng cố niềm tin, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu trước quần chúng. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong học tập nghị quyết của Đảng, phải nắm vững, hiểu sâu những nội dung cơ bản của nghị quyết để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và để thường xuyên tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân, tạo sự đồng thuận trong thực hiện nghị quyết của Đảng.

Việc lơ là, ngán ngại học nghị quyết tưởng chừng chỉ là vấn đề nhỏ nhưng thực chất đó có thể là khởi nguồn của các biểu hiện “tự diễn biến” , “tự chuyển hóa” mà tác hại của nó sẽ rất nghiêm trọng!

NGUYỄN THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tác hại của ngại học nghị quyết