Nước mắt người "liều mình"

04/10/2021 09:45

Những người dân, lao động phổ thông không giỏi ăn nói, những lời đầu tiên, đều là những lời chất vấn gay gắt. Nhưng vài người sau đó khi trình bày ý kiến đã bị nước mắt lấn át, ngắt quãng...

Từ rạng sáng 30.9, hơn 1.000 người dân từ các tỉnh, thành phố khác sau nhiều tháng kiệt quệ tinh thần lẫn vật chất, phải sống lay lắt từ các nguồn hỗ trợ đã tràn ra quốc lộ N2 liều mình về quê.

Khi trời sáng hẳn cũng là lúc một đoạn đường trước chốt kiểm soát dịch COVID-19 tại cầu Đức Hòa (Long An) tắc nghẽn. Những người dân hiền lành đã bắt đầu chuyển trạng thái từ "xin được qua chốt" sang tâm trạng bức xúc, la ó tạo áp lực.

Và tâm tư của người dân đã được lắng nghe kịp thời, khi tất cả lãnh đạo tỉnh Long An từ UBND tỉnh đến các sở, ban, ngành đều có mặt tại hiện trường, hòa vào người dân trao đổi trực tiếp.

Hơn nửa số người dân đang bắt đầu phẫn nộ với cảnh vật vã giữa đường, khi gặp được những lãnh đạo địa phương có quyền quyết định giải quyết nhu cầu cho họ, đã bắt đầu dịu dần. Và người dân đã chịu theo vào một nhà xưởng trống gần đó mà địa phương đã chuẩn bị sẵn để đối thoại, trình bày ý kiến của mình.

Những người dân, lao động phổ thông không giỏi ăn nói, đã thoải mái xả nỗi lòng của mình. Những lời đầu tiên, đều là những lời chất vấn gay gắt. Nhưng vài người sau đó khi trình bày ý kiến đã bị nước mắt lấn át, ngắt quãng...

Chị Trần Thị Ngoan (31 tuổi, quê Cà Mau), công nhân ở một công ty tại Đức Hòa, đã tự nhận mình "liều mình" về quê. Chị cầm micro nói chuyện trực tiếp với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An thế này: "Không phải tụi con không hiểu các chú. Tụi con cũng biết các chú lãnh đạo mệt lắm. Tụi con cũng biết tụi con "liều mình" ra đường như vầy là làm khó cho các chú và gây nguy cơ lây lan dịch bệnh. Nhưng tụi con hết cách rồi mới phải làm vậy. Nhà con 4 người ở trọ, chồng con mới cách ly trở về. Con của con còn nhỏ lắm, mà con phải ẵm nó ra giữa đường. Nó lạnh lắm...".

Người mẹ, người vợ ấy nói mà nước mắt cứ chảy tràn mặt mũi, khi nghe ông Phó Chủ tịch tỉnh và ông Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế liên tục động viên: "Chị cứ nói đi, chị cứ nói thoải mái hết lòng mình. Chúng tôi ngồi đây là để được nghe chị nói...".

Vợ chồng chị Ngoan sau đó nằm trong số những người đầu tiên chấp nhận quay trở về điểm tạm trú mà Long An đã chuẩn bị để chờ đợi sự sắp xếp của địa phương. "Thôi giờ vầy thì con tin các chú, con mong các chú sắp xếp cho cả nhà con. Được về thì nhà con mang ơn các chú cả đời" - chị Ngoan kết thúc nỗi lòng đầy nước mắt của mình khi đối thoại.

Diễn biến sau đó đã giúp lời hứa của tỉnh Long An kết thúc có hậu. Chị Ngoan và 1.260 người tràn ra đường hôm đó đã được tỉnh này bố trí cho xe đưa về tận quê nhà vào sáng hôm sau, tạm kết thúc những chuỗi ngày thấp thỏm, lo âu, kiệt quệ vì dịch COVID-19 trên con đường mưu sinh nơi đất khách quê người.

Những giọt nước mắt của chị Ngoan đã được lắng nghe, được an ủi bởi những người mà chị hiểu có thể giúp được nguyện vọng của mình tốt nhất.

Và việc thực hiện đúng lời hứa trong buổi đối thoại đó cũng giúp củng cố niềm tin nơi những người dân đã chọn đến mảnh đất này mưu sinh. Bởi trước mắt là quá trình phục hồi kinh tế còn nhiều khó khăn, còn cần nhiều lao động, cần sự đồng lòng chung sức của người dân khắp nơi cho các khu, cụm công nghiệp Long An đang ráo riết thu hút người trở lại.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nước mắt người "liều mình"