Nhiều kịch bản nhưng vẫn lúng túng

24/02/2022 11:49

Trong nhiều tháng qua, học sinh, phụ huynh cả nước luôn mong mỏi tới ngày trường học mở cửa trở lại. Nhưng khi điều đó đến, nhiều nơi, nhiều trường lại rơi vào cảnh lúng túng khi đối diện với thực tế F0, F1 gia tăng.

Tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, nhiều lớp học có đến 50% học sinh F0, F1. Có nơi học sinh đến trường rồi phải quay về vì lớp "có F", có nơi học sinh học trực tiếp, nhưng giáo viên lại dạy gián tiếp vì là F1, F0.

Giáo viên đôi khi không phải dạy "2 trong 1" mà phải dạy ở 3 "điểm cầu" vì thầy là F0, trò thì nhóm có F, nhóm không F. Có những lớp học sinh cuối cấp không thể tĩnh tâm ôn thi chỉ vì 1 tuần có đến 3 lần thay đổi hình thức học để chống dịch.

Một điều cần ghi nhận là sự cố gắng của thầy cô giáo ở nhiều địa phương, trong đó có những địa bàn phức tạp về dịch như Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh.. Giáo viên vất vả gấp 3 - 4 lần, lịch dạy học xáo trộn, công việc phát sinh. Nhưng một thực tế không thể phủ nhận là chất lượng dạy học không đảm bảo. Những lớp học 2 trong 1 hay 3 trong 1 thể hiện tinh thần vượt khó của thầy trò nhưng hiệu quả không cao. Đáng suy nghĩ là với cách "vượt khó" mỗi nơi một kiểu, số ca F0, F1 vẫn tăng vọt.

Trong 1 năm đương đầu với đợt dịch COVID-19 thứ 4, cụm từ quá quen thuộc với thầy, trò và phụ huynh cả nước là "kịch bản": Kịch bản chủ động, thích ứng, kịch bản dạy học trực tuyến, kịch bản đón học sinh trở lại trường, kịch bản đối phó khi có F0, F1. "Từ khóa" này có trong các văn bản chỉ đạo, báo cáo. Nhưng trên thực tế, cái nhìn thấy rõ vẫn là sự lúng túng, bối rối, mỗi nơi làm một cách, nhiều vấn đề vướng mắc xảy ra mới được nhìn nhận để quay ngược lại xin ý kiến, chờ phê duyệt.

Bất ổn nhìn từ thực tế này vẫn là có nhiều kịch bản nhưng chưa thực sự có một "kịch bản" khung mang tính thống nhất, xuyên suốt, trong đó phải lường được các tình huống sẽ xảy ra, có kịch bản xử lý trong tình huống có hàng loạt học sinh cùng bị nhiễm trong một thời điểm.

Khi Bộ GD-ĐT đưa thông điệp đề nghị các địa phương có kế hoạch cho học sinh trở lại trường thì nhiều vấn đề cần nhưng chưa được thống nhất trên cơ sở ý kiến, quy định của cơ quan chuyên môn. Cụ thể là có hay không cần xét nghiệm sàng lọc cho học sinh; nếu cần thì tổ chức xét nghiệm như thế nào; quy định cụ thể về thời gian cách ly của F0, F1; học sinh là F0, F1 khi nào thì có thể an toàn trở lại trường học; học sinh học bán trú, học 2 buổi/ngày thì cần đảm bảo yêu cầu gì để không gia tăng lây nhiễm...

Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế, UBND các tỉnh thành có cả một thời gian 5 - 6 tháng, khi học sinh chưa quay lại trường để chuẩn bị ban hành những quy định, hướng dẫn dựa trên căn cứ khoa học và thực tiễn. Nhưng cho tới bây giờ khi học sinh đã quay lại trường và rơi vào cảnh rối ren thì Bộ GD-ĐT mới kiến nghị để bổ sung những quy định, ý kiến tham vấn của cơ quan chuyên môn, làm cơ sở cho hướng dẫn cụ thể trước tình thế hiện nay.

Do thiếu sự chỉ đạo thống nhất xuyên suốt, thiếu cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý để áp dụng khiến nhiều trường học không khỏi lúng túng, rối ren. Nhất là trong tình huống lây nhiễm hàng loạt, điều đã nhìn thấy trước khi mở cửa trường học.

Theo Tuổi trẻ 

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhiều kịch bản nhưng vẫn lúng túng