Không để thiếu thuốc, vật tư y tế

29/09/2022 09:02

Vì sao có tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế? Đó là câu hỏi khá nhức nhối phải được làm rõ, truy tìm nguyên nhân để có biện pháp khắc phục.

Bệnh viện Phổi Hải Dương điều trị bệnh nhân Covid-19. Ảnh tư liệu

Sau hơn 2 năm quyết liệt phòng chống đại dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và được nhân dân đồng tình hưởng ứng, thực hiện, đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát, đẩy lùi. Trong kết quả chung đó, ngành y tế đã có nhiều đóng góp tích cực, quyết định vào công tác phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhiều tấm gương sáng của các thầy thuốc, nhân viên y tế được nhân dân ghi nhận và đánh giá cao.

Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19, ngành y tế tiếp tục gặp phải nhiều khó khăn, trong đó nổi lên là tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế làm ảnh hưởng đến việc phòng chống, chữa bệnh bảo vệ sức khỏe nhân dân ở một số bệnh viện gây bức xúc trong dư luận. 

Vì sao có tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế? Đó là câu hỏi khá nhức nhối phải được làm rõ, truy tìm nguyên nhân để có biện pháp khắc phục. Theo Bộ Y tế, về cơ bản những thuốc điều trị thông thường không thiếu, chủ yếu thiếu ở những loại thuốc đặc trị phần lớn phải nhập khẩu. Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến thiếu thuốc, vật tư y tế. Một là, về nguyên nhân khách quan, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, chuỗi cung ứng bị đứt gẫy, giá cả vật tư đầu vào không ổn định, thường tăng cao bất kỳ, một số nước áp dụng chống lạm phát gây cản trở cho việc sản xuất, xuất nhập khẩu thuốc, vật tư y tế. Nhưng vì nguyên nhân chủ quan là chính. Việc đấu thầu tập trung chậm triển khai, chưa tích cực đàm phán giá thuốc sát với tình hình thực tế thị trường. Công tác kiểm tra, đôn đốc thúc đẩy việc mua sắm thuốc, trang bị y tế chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ; sự phối hợp giữa các cơ sở, ngành có liên quan thiếu chặt chẽ, thống nhất. Một số cán bộ ngành, địa phương thiếu kiên quyết, sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy. Có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra, do vậy không dám làm, không dám tổ chức đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị vật tư y tế, mặc dù Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố đã phân cấp, giao quyền cho các đơn vị tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Nhằm khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, Bộ Y tế đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc, các Sở Y tế địa phương thực hiện, kiên quyết không để thiếu thuốc, vật tư y tế ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc họp bàn nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc này.

Ngày 13.9, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận: Yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo bảo đảm đủ thuốc, vật tư y tế, vướng mắc đến đâu tháo gỡ đến đó. Thủ tướng Chính phủ còn nói: Ai không làm thì đứng sang một bên cho người khác làm. Nếu mua sắm thuốc men, vật tư y tế “đủng đỉnh” thì không thể đáp ứng yêu cầu bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân tính bằng giờ, bằng phút.

Ngành y tế Hải Dương cần chủ động, có biện pháp ứng phó không để tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế xảy ra, mặc dù ngành đang gặp khó khăn.

HOÀNG VŨ (TP Hải Dương)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không để thiếu thuốc, vật tư y tế