Đi chùa làm gì?

31/01/2023 08:45

Câu hỏi thoạt nghe dễ trả lời song không phải ai cũng nghĩ đúng.

Đầu xuân, mọi người nô nức đi chùa lễ Phật. Đến chùa những ngày này, dễ gặp hình ảnh nhiều người lầm rầm khấn vái, cầu cho gia đình mình được an lành, khỏe mạnh, làm ăn phát đạt, thu nhiều lợi lộc, tai qua nạn khỏi, thăng quan tiến chức…


Ảnh minh họa

Câu chuyện đầu xuân ở khu tôi ở cũng nhắc tới chuyện đầu năm đi chùa làm gì? Một bà cao tuổi khi nghe mọi người hỏi như vậy liền tỏ vẻ bực tức: “Ơ hay, sao các cháu lại hỏi vậy? Bao đời nay dân mình đi chùa để cầu đức Phật ban cho an lạc, phúc lộc, vui khỏe. Hỏi thế bằng thừa”. Mấy người gật đầu đồng ý. Có một anh thanh niên vặn lại: “Thưa bà, đức Phật mà cho được những thứ cầu ấy thì Trái Đất này làm gì còn người nghèo, chiến tranh, tai nạn giao thông. Nhà ai cũng sẽ giàu sang, sung sướng, không ai bị bất hạnh nữa. Thực tế thì có phải vậy đâu. Vậy có phải cứ cầu Phật là được đâu...”. Mấy lời ấy làm mọi người đăm chiêu. Bà cao tuổi vừa nói dù không vui nhưng cũng không cãi lại được lời người thanh niên. Một người khác nói thêm: “Tôi thì không biết cầu Phật có được hay không được nhưng chủ yếu đến chùa để vãn cảnh, thăm thú, thể hiện sự tôn kính đức Phật, để đầu óc thoải mái, thêm vui vẻ”.

Câu chuyện nhỏ ở xóm tôi đã phản ánh về nhiều luồng tâm lý khi đi chùa lễ Phật của cộng đồng.

Nhiều người tin rằng đức Phật là một đấng siêu nhiên, có khả năng thần thông, làm phép, ban cho con người sức khỏe, tiền bạc, tuổi thọ, niềm vui… Quan điểm này có đúng không?

Thực tế, đức Phật là một con người thật, sinh năm 624 tại vùng đất thuộc Nepal ngày nay và mất năm 544 trước công nguyên. Vốn là thái tử của một nước song vì trăn trở trước khổ đau của con người mà ngài đã đi tu và giác ngộ, tìm ra một con đường được cho là giải thoát khổ đau cho Phật tử. Ngài không phải là thần, thánh hay đấng siêu nhiên mà ngài là người thật, đã truyền bá, giảng dạy Phật pháp ở nhiều nơi, giúp nhiều người ngộ đạo. Ngài cũng không thể ban phát cho con người tiền tài, danh vọng, quyền lực, sức khỏe… mà ngài chỉ chỉ ra cho Phật tử một con đường, một cách thức để diệt khổ, đạt vui.

Trong cuốn sách “Đạo Phật đi vào cuộc đời”, Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng viết: “Những học giả nghiên cứu về Phật học đã đồng ý với nhau rằng đạo Phật là một đạo lý hướng dẫn con người trong công việc giải quyết những vấn đề trọng đại của sự sống, nhất là vấn đề khổ đau. Edwand Conze, Giáo sư triết học tại Đại học đường Londre, đã nói tới đạo Phật như một chủ nghĩa thực dụng. Đức Phật đã từ chối không đưa các đệ tử đi sâu vào những suy luận siêu hình viển vông vô ích và đã đưa mọi người trở về cuộc sống hiện thực để giải quyết những khổ đau hiện thực”.

Trái ngược với ý kiến cho rằng đạo Phật thoát ly đời sống, yếu đuối, có thể khẳng định đạo Phật là một tôn giáo chú trọng giải quyết các vấn đề hiện thực, luôn đề cao nỗ lực của con người trong cuộc sống.

Vậy đầu năm đi chùa lễ Phật, cần có tâm thế như thế nào mới đúng? Đến chùa lễ Phật, trong không gian tĩnh lặng, linh thiêng là cơ hội để mỗi người nhìn lại mình, tự ngẫm để tự sửa mình. Những mặt tốt cần phát huy, những hạn chế, nhược điểm của mình thì phải sửa chữa, khắc phục. Lễ Phật để thấy rằng mình còn nhiều hạn chế, còn nhiều mê lầm có thể dẫn tới khổ đau nên chính mình phải nỗ lực sửa mình, phải phá mê diệt ngu để sống tốt hơn, hạnh phúc hơn. Chính mình cần nỗ lực để làm những việc ấy, chứ Phật không thể giúp mình được. Lễ Phật để thấy rõ giáo lý từ bi hỷ xả, không tham sân si của đạo Phật, từ đó mỗi người cần biết thương yêu đồng loại, nhất là những hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ họ vươn lên, bớt khổ và cũng không nên tham lam, nóng giận để phải nhận hậu quả đáng tiếc…

TUẤN NGUYÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đi chùa làm gì?