Đề xuất nhân văn

09/07/2022 14:30

Đề xuất miễn học phí cho học sinh THCS trên cả nước từ năm học 2022-2023 của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 4.7 vừa qua đã gieo hy vọng cho không ít phụ huynh.

Theo lộ trình, từ năm học 2022-2023, Hải Dương cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước sẽ phải thực hiện Nghị định 81 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Thực hiện chủ trương này, Hải Dương cũng đã sớm xây dựng phương án điều chỉnh mức đóng học phí để trình HĐND tỉnh xem xét quyết định trong thời gian tới. Đề xuất miễn học phí cho học sinh THCS của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ngay trong năm học 2022-2023 sẽ khiến các đơn vị tham mưu xây dựng phương án điều chỉnh mức học phí trong năm học tới của tỉnh phải tính toán, cân nhắc sao cho phù hợp.

Chuyện tăng học phí đã từng trở thành đề tài bàn luận sôi nổi của nhiều người dân trong cả nước cũng như Hải Dương thời gian qua. Đa phần họ đều kỳ vọng Chính phủ cũng như tỉnh chưa tăng học phí thời điểm này. Có thể mức học phí được miễn giảm không nhiều nhưng với những gia đình có thu nhập không cao thì cũng giúp họ vơi bớt khó khăn, nhất là trong thời điểm nhiều mặt hàng tăng giá như hiện nay.

Miễn học phí cho học sinh THCS không phải đề xuất mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm 2016, Chính phủ đã giao bộ này phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng báo cáo về việc miễn học phí cho học sinh THCS theo lộ trình nhưng chưa thực hiện được. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trong năm học 2021-2022, nhiều địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh đã miễn học phí cho học sinh... Có thể thấy đây là thời điểm thích hợp để thực hiện chính sách miễn học phí cho học sinh THCS trên phạm vi toàn quốc. Chúng ta đã miễn học phí cấp tiểu học, việc miễn học phí cho học sinh THCS sẽ nối dài cơ hội học tập của nhiều học sinh khó khăn.

Đề xuất miễn học phí là tin vui nhưng cũng có một vấn đề khiến không ít phụ huynh băn khoăn, lo lắng. Miễn học phí nhưng tình trạng lạm thu có xuất hiện nhiều hơn hoặc nhiều trường lại vẽ ra nhiều khoản chi phí khác?

Chị bạn tôi có con gái chuẩn bị lên lớp 8. Chị lấy ví dụ năm học đầu cấp, chị đã phải đóng tiền mua điều hòa, quạt điện. Khi con lên lớp 7, những khoản đóng góp này lại tiếp dưới danh nghĩa quỹ bảo trì, sửa chữa điều hòa. Nghe nói, cuối năm học vừa rồi, có lớp kêu điều hòa hỏng lại kiến nghị phụ huynh lắp điều hòa mới khi các con lên lớp 8 nên chị không khỏi lo ngại. Việc bỏ thêm tiền để mua điều hòa và đóng nhiều khoản chi phí khác ngoài học phí mỗi khi con lên lớp mới khiến chị và không ít phụ huynh không hài lòng. 

Không chỉ học phí, vấn đề lạm thu vẫn luôn nhức nhối mỗi khi đến đầu năm học mới. Niềm vui chỉ trọn vẹn khi đề xuất miễn học phí cho học sinh THCS được thông qua và “căn bệnh lạm thu” được chữa trị triệt để. Ngành giáo dục cần ban hành các văn bản quy định chặt chẽ về các khoản được thu, các khoản không được thu và yêu cầu các cơ sở giáo dục không được phép thu. Ngoài ra, cần tăng cường tuyên truyền để phụ huynh, giáo viên hiểu rõ và thực hiện đúng quy định, không lợi dụng để thu các khoản trái quy định.

Nếu đề xuất miễn học phí khó được thông qua, Chính phủ có thể xem xét lùi thời gian tăng học phí để người dân “dễ thở” trong bối cảnh cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn hiện nay. Các địa phương có thể cân nhắc bố trí nguồn ngân sách phù hợp để điều chỉnh mức học phí phù hợp. Nếu có điều kiện tốt hơn để có thể miễn học phí cho tất cả các bậc học.

HẢI MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đề xuất nhân văn