Để việc chất vấn trong tổ chức cơ sở đảng phát huy hiệu quả

01/07/2022 06:25

Hoạt động chất vấn trong Đảng là một trong những hình thức kiểm tra, giám sát, góp phần kiểm soát quyền lực các tổ chức trong bộ máy của Đảng.

Chất vấn và trả lời chất vấn trong Đảng là việc đảng viên hỏi và được trả lời về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức đảng hoặc chức trách, nhiệm vụ, tiêu chuẩn đảng viên, cấp ủy viên, trừ những vấn đề bí mật theo quy định của Đảng và Nhà nước. Mục đích, yêu cầu của chất vấn và trả lời chất vấn là nhằm phát huy dân chủ, nâng cao trách nhiệm và năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên, góp phần ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống của đảng viên.

Hoạt động chất vấn trong Đảng là một trong những hình thức kiểm tra, giám sát, góp phần kiểm soát quyền lực các tổ chức trong bộ máy của Đảng.

Hiện Đảng ta đã có quy chế về chất vấn và thực hiện chất vấn trong Đảng. Cùng với đó là các văn bản hướng dẫn thực hiện của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Trong nhiều hội nghị của các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở thời gian qua, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đã diễn ra sôi nổi, làm rõ nhiều vấn đề bức xúc, cần cấp ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết.

Tuy nhiên, việc này ở nhiều nơi chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục. Nội dung chất vấn chưa trúng, việc tổ chức chất vấn còn hình thức nên chất lượng chưa cao. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ sai phạm không được phát hiện sớm, ngăn chặn từ xa.

Vì sao và làm thế nào để hoạt động chất vấn trong Đảng thực sự có hiệu quả?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế nói trên. Trong đó, nguyên nhân cơ bản nhất là quy chế về chất vấn trong Đảng chưa được các cấp ủy đảng và đảng viên nhận thức đầy đủ. Do đó cấp ủy chưa thường xuyên đưa nội dung chất vấn và trả lời chất vấn vào các cuộc họp, hội nghị của cấp ủy và ban thường vụ cấp ủy, nhất là cấp cơ sở.

Quy chế về chất vấn và trả lời chất vấn trong Đảng nêu rõ "đảng viên có quyền chất vấn hoạt động của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, đảng viên trong phạm vi cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, đảng bộ mà mình là thành viên và phải chịu trách nhiệm về nội dung chất vấn của mình. Tổ chức đảng, đảng viên là đối tượng chất vấn có trách nhiệm trả lời chất vấn và phải chịu trách nhiệm về nội dung trả lời chất vấn của mình”.

Trên thực tế, ở cấp cơ sở, nhất là với các tổ chức đảng khối cơ quan nhà nước, có tình trạng "ngại chất vấn" do cho rằng làm như vậy là phê bình lãnh đạo, phê bình cấp trên. Vì vậy, một số đảng viên, cấp ủy viên mang tâm lý nể nang, không muốn va chạm, thậm chí sợ bị trù dập. Ở khối xã, phường, thị trấn, ngoài lý do ngại va chạm thì cũng còn vấn đề nhiều nội dung đảng viên, cấp ủy viên muốn chất vấn nhưng lại không có hoặc thiếu thông tin. Có người ngại nói ra vì sợ bị quy chụp là "bới lông tìm vết", làm ảnh hưởng tới thành tích của Đảng bộ...

Để hoạt động chất vấn trong Đảng tránh hình thức, mang lại hiệu quả thiết thực, cần sửa đổi, bổ sung các quy định theo hướng mở rộng quyền chất vấn cho đảng viên. Công khai hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của cấp ủy để đảng viên và nhân dân kiểm tra, giám sát. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm và chế tài cụ thể đối với cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy trong thực hiện hoạt động chất vấn...

TRẦN LƯU LOÁT(TP Hải Dương)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để việc chất vấn trong tổ chức cơ sở đảng phát huy hiệu quả