Chọn nhầm "kẻ trộm"

19/11/2021 05:56

Vụ buôn lậu và bán 200 triệu lít xăng giả mà công an đang điều tra có thể giữ "quán quân" về buôn bán hàng giả.

Đây cũng là vụ lừa dối người tiêu dùng khủng, cả về địa bàn (có cây xăng bán lẻ), doanh số lẫn lòng tin. Nếu tính giá xăng là 15.000 đồng/lít, quy mô vụ bán xăng giả ngót nghét 3.000 tỉ đồng.

Ai cũng muốn tốt nhất cho "con xe", vậy mà xăng, kể cả xăng A95, cũng bị làm giả! Mà đâu chỉ có một vụ xăng giả ở Đồng Nai. Trước đó, tòa án cũng đã xử vụ đại gia Trịnh Sướng ở miền Tây bán xăng giả.

Thật vô lý khi xăng dầu được quản chặt từng "centimet" nhưng nhiều tàu dầu khủng vẫn lọt qua lỗ kim, thiệt hại cả Nhà nước (mất thuế) lẫn người tiêu dùng (mua phải hàng giả). Vì sao lại rộ lên nạn bán xăng giả như thế?

Người ta nói "cơ chế nào thực trạng đó". Nếu cơ chế tiến bộ và thực thi tốt, sẽ không có nạn buôn bán xăng giả tràn lan, quy mô lớn như vậy.

Thực tế, không phải ai cũng có thể kinh doanh mà phải đáp ứng nhiều điều kiện và luôn bị quản chặt đầu vào và giám sát đầu ra. Với đầu vào nhập khẩu, Bộ Công thương chỉ cấp phép cho những doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí ngặt nghèo.

Cả nước chỉ có gần 40 doanh nghiệp nhập xăng dầu, cho thấy đó phải là những doanh nghiệp "tinh hoa"! Còn đầu ra, doanh nghiệp phải có trách nhiệm với hệ thống phân phối để bảo đảm chất lượng và luôn đáp ứng nhu cầu của người mua, chẳng hạn như vô cớ treo biển nghỉ bán mà không rõ lý do đều bị phạt...

Nhưng trong số những doanh nghiệp được Bộ Công thương chọn mặt gửi vàng làm đầu mối nhập khẩu lại liên quan đến đường dây bán xăng giả này.

Thay vì nhập xăng chính thức về bán, họ mua xăng lậu, chế biến xăng giả, và hoạt động kinh doanh bất chính của họ đã được núp sau bình phong đầu mối nhập khẩu.

Chọn mặt gửi vàng, nhưng lại không chọn "người ngay", chọn ngay "kẻ trộm", sai một li, đi nhiều dặm. Hệ thống kinh doanh xăng dầu lậu, giả quy mô khủng ra đời từ đó.

Thế lỡ chọn nhầm rồi, có cách nào để Bộ Công thương biết rằng doanh nghiệp đầu mối đó xao nhãng nhiệm vụ (nhập khẩu xăng dầu) mà chỉ lo tổ chức hoạt động sân sau (bán hàng lậu, hàng trôi nổi), tạm gọi là hậu kiểm?

Có, đó cũng chính là nguyên tắc "quản chặt đầu vào, giám sát đầu ra". Ông doanh nghiệp nào là đầu mối mà ít nhập xăng dầu nhưng ở đầu ra lại bán ầm ầm, đích thị là mua hàng trôi nổi về bán.

Bởi vì thị trường Việt Nam, theo pháp luật, làm gì có xăng dầu trôi nổi, vài can xăng thì có hàng trôi nổi, chứ đến xe bồn là dứt khoát phải có hóa đơn, nơi xuất đi và nơi đổ hàng đều phải rõ ràng, nói chi đến sà lan trăm khối xăng dầu hay xi téc khối lớn.

Nghị định về kinh doanh xăng dầu vừa được chỉnh sửa với mục tiêu bịt các kẽ hở trong kinh doanh xăng dầu, bảo vệ quyền lợi Nhà nước qua thuế và người tiêu dùng qua chất lượng và giá cả.

Nhưng bất kể cơ chế thế nào, nếu thực thi không chặt chẽ, lơ là, trao trọng trách nhầm cho "kẻ trộm", cũng khó dẹp được xăng giả, người tiêu dùng vẫn chịu thiệt. Và với vài trăm triệu lít xăng giả đã được bán ra thị trường, "bị hại" - người tiêu dùng - chẳng bao giờ được đền bù!

Vì thế, dù có sửa quy định về xăng dầu vẫn cũng cần làm rõ và quy trách nhiệm tại sao lại để lọt "kẻ trộm" vào trong nhóm "tinh hoa" - đầu mối nhập khẩu xăng dầu và không kiểm tra, giám sát để ngăn ngừa kinh doanh lậu ngay từ trong trứng nước. Có như vậy mới sòng phẳng với người tiêu dùng.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chọn nhầm "kẻ trộm"