Góc khuất xóm trọ công nhân

09/11/2015 07:49

Công việc vất vả cùng đồng lương còn “khiêm tốn” nhưng nhiều công nhân trẻ lại sẵn sàng "vung tay quá trán" cho những cuộc vui.




Công nhân đang rất cần những điểm vui chơi lành mạnh


“Cứ mỗi chiều đi làm về sớm là anh em lại túm tụm “luận” đề. Có người ham quá, đi vay lãi đánh đề. Đến hạn, chủ nợ đến nhà đòi tiền lại phải về quê xin, xoay tiền trả lãi”.

Sau nhiều giờ làm việc, những người công nhân vội vã trở về xóm trọ để nghỉ ngơi và lấy lại tinh thần cho ngày mới. Công việc vất vả cùng đồng lương còn “khiêm tốn” nhưng nhiều công nhân trẻ lại sẵn sàng "vung tay quá trán" cho những cuộc vui.

Đi làm từ sáng sớm và trở về nhà trọ khi trời đã tối đen nhưng thu nhập của đại bộ phận công nhân vẫn còn hạn chế, chỉ từ 3,5-4,5 triệu đồng/người/tháng. Số tiền lương đó chả thấm vào đâu cho những khoản mà họ phải chi tiêu hằng ngày. Tiền nhà, tiền ăn, tiền điện nước, thăm hỏi người ốm, hiếu, hỷ... chỉ xoay quanh số tiền lương họ nhận. Chính vì vậy, phương châm sống của đa số công nhân là “tiết kiệm được cái gì hay cái đấy”.

Những thiếu thốn về vật chất, thời gian khiến đời sống tinh thần của họ khá nghèo nàn. Không có việc gì để thư giãn, một số thanh niên công nhân, nhất là những người chưa lập gia đình, thường tụ tập đánh bài ăn tiền hay nhậu nhẹt. Nhiều tệ nạn cũng từ đây len lỏi vào trong đời sống của những người công nhân thuê trọ.

Sa đà

17 giờ 30 một chiều thứ bảy, theo chân cậu em tên Tuyền quê ở huyện Ninh Giang, tôi đến thăm một xóm trọ công nhân tại phường Tứ Minh (TP Hải Dương). Trên đường đi, Tuyền giới thiệu: “Đợt này công ty thưa việc nên làm hết ngày thứ bảy chúng em lại tụ tập một số anh em thân tình vui chơi cho đoàn kết. Cuộc sống công nhân đơn sơ nhưng khoản giải trí thì hết xảy!”.

Khu nhà trọ có 4 phòng, mỗi phòng có từ 2-4 công nhân cùng làm tại một công ty. Họ đều là những thanh niên ở các huyện xa trong tỉnh như Ninh Giang, Thanh Miện, Kim Thành… về đây ở cho tiện với công việc. Một thanh niên tên Long (25 tuổi) quê ở huyện Thanh Hà bảo: "Hôm nay sinh nhật em, anh cứ tự nhiên chơi hết mình”. Sau khi tập hợp đủ bạn bè, cả nhóm kéo nhau ra quán. Kể từ ngày có khu công nghiệp mọc lên, con đường này trở nên sầm uất. Nhiều quán xá với các loại dịch vụ ăn uống, internet, bi-a… mọc lên để phục vụ nhu cầu giải trí của công nhân.

Mặc dù là công nhân, đồng lương hằng tháng không dư dả là bao nhưng bữa tiệc của các “nam thanh, nữ tú” ở đây cũng không thiếu thốn thứ gì. Chủ quán đã chuẩn bị sẵn 4 két bia Sài Gòn. Trên bàn, những món ăn hấp dẫn được bày biện đủ cả. Sau lời tuyên bố khai mạc, bữa tiệc chính thức được bắt đầu. Lần lượt các anh em cả trai lẫn gái chúc mừng sinh nhật của Long bằng những vại bia đầy ngập miệng cốc. Hết mời riêng rồi lại đến mời chung. Tôi quay sang một bạn gái tên Thu quê ở Thanh Miện mời ly bia để bắt chuyện. “Nếu muốn mời em anh phải uống đầy”, chưa nói hết câu Thu nhanh tay mở một chai bia rót đều ra 2 cốc. Sau cái bắt tay, Thu đưa cốc bia lên uống cạn một hơi trong sự ngạc nhiên của tôi và tiếng vỗ tay tán dương của chúng bạn. Không dừng lại ở đó, dù đã ngấm men say nhưng Long và nhóm bạn vẫn yêu cầu chủ quán lấy thêm 4 chai rượu để cho cuộc vui được "tới bến".
Quay sang Tuyền, tôi hỏi: “Chắc lâu lâu mới được nghỉ, anh em tổ chức liên hoan?”. Tuyền ghé vào tai tôi nói nhỏ: “Không phải đâu anh. Tuần nào bọn em chả ngồi nhậu vài ba lần với nhau. Sinh nhật chỉ là cái cớ thôi”. Tôi thắc mắc: “Liên hoan nhiều thế này thì lấy tiền ở đâu?. Chắc lương bọn em cao lắm?”. Tuyền phân trần: “Cũng chỉ khoảng 4-5 triệu đồng/người/tháng thôi ạ. Thiếu thì "dưa góp", không có thì đi vay, tháng sau có lương rồi trả. Có hôm không còn tiền, bọn em phải đi cầm đồ hoặc cắm xe ở quán. Có hôm trúng đề, bọn em còn quậy đến sáng. Quan trọng là anh em vui vẻ”. Nghe vậy tôi thắc mắc: “Anh em ở đây hay đánh đề lắm sao? Tụ tập thế này gia đình không phản đối à?”. Tuyền trả lời: “Trước thì cũng bị cấm, có người còn bị vợ dọa chia tay nhưng lâu dần rồi quen. Gần như không ai cấm được bọn em vui chơi cả. Cứ mỗi chiều đi làm về sớm là anh em lại túm tụm "luận" đề. Có người ham quá, đi vay lãi đánh đề. Đến hạn, chủ nợ đến nhà đòi tiền lại phải về quê xin, xoay tiền trả lãi”. Gần 1 giờ đêm, bữa tiệc mới kết thúc. Mặc dù đã khá thấm mệt nhưng nhóm của Long vẫn đề nghị tiếp tục được đi "chương trình 2". Dắt xe ra khỏi quán, nhóm thanh niên đầu không đội mũ bảo hiểm vẫn lên xe phóng vun vút trên đường để tiếp tục tìm nơi “giải trí”.    

Lời cảnh tỉnh

Sa đà vào các cuộc vui, không ít người trong số họ đã vướng vào những tệ nạn xã hội, đánh mất tương lai.

Anh Vũ Đức Q. (26 tuổi) ở Nam Sách sinh ra trong một gia đình thuần nông. Do cuộc sống khó khăn nên 2 anh em anh Q. đều sớm rời ghế nhà trường để đi làm công nhân tại các khu công nghiệp. Anh Q. tâm sự: "Cuộc sống công nhân vất vả, lương thấp, lại cả nể nên dễ sa ngã vào những tệ nạn xã hội. Từ ngày xa nhà, không có người quản lý trong sinh hoạt nên bản thân tôi đã vướng vào nhiều chuyện khiến bố mẹ đau lòng". Theo lời anh kể thì ban đầu cũng chỉ là do nghe bạn bè rủ rê, tối nào cũng uống đến say mềm. Lúc hết tiền, anh và chúng bạn lại phải nghĩ cách đánh lô, đề để kiếm thêm. Đúng là trò chơi may rủi, lúc được thì cả xóm trọ biết nhưng lúc mất thì phải "ngậm đắng, nuốt cay". Đã có lần anh phải cắm cả chiếc xe máy do gia đình mua cho để trả nợ. Đến nay số tiền anh đã vay lên tới gần 60 triệu đồng. Mỗi tháng, anh phải trả trên 3 triệu đồng cả lãi và gốc. Số tiền này bằng già nửa số lương tháng của anh. Anh Q. chia sẻ: "Tôi đã làm công nhân được gần 10 năm. Cũng có nhiều bạn bè đã xây dựng gia đình, lo toan cho cuộc sống bằng chính đồng lương kiếm được. Nhưng đến nay, tôi vẫn lủi thủi một mình do vẫn còn ham chơi". Anh Q. cho biết, hiện tại gia đình vẫn phải trả nợ lãi cho anh hằng tháng. Đây cũng là lý do khiến anh chưa dám nghĩ tới chuyện lập gia đình.

Không giống như anh Q., anh Nguyễn Văn T. (30 tuổi) ở huyện Ninh Giang lại xuất thân từ một gia đình khá giả. Nhà chỉ có một mình là con trai nên anh được bố mẹ cưng chiều. Chính vì vậy mà anh cũng sớm sa đà vào tệ nạn. Học hết trung học phổ thông, anh xin làm công nhân cho một công ty tại khu công nghiệp Tân Trường (Cẩm Giàng). Nhờ nhanh nhẹn, thông minh nên anh rất được lòng quản lý và anh em đồng nghiệp. Do cuộc sống nơi xóm trọ có quá nhiều cám dỗ, anh đã theo bạn bè vướng vào cá độ bóng đá và ma túy. Hằng ngày, sau giờ làm, "công việc" chính của anh là tụ tập cùng nhóm bạn để đánh bài ăn tiền, ngồi quán cà phê chờ kết quả những trận bóng mà anh cá cược. Nhưng may mắn chẳng đến với những ai lười nhác, anh càng ngày càng lún sâu vào nợ nần. Chán chường, anh theo một số thanh niên xấu vướng vào con đường ma túy. Anh T. tâm sự: "Chỉ đến khi bị công an bắt, công ty đuổi việc, tôi mới thật sự cảm nhận được giá trị của cuộc sống và trân trọng công việc trước đây của mình". May mắn lớn nhất của anh T. là sau sai lầm này anh vẫn xin được vào làm công nhân cho một xí nghiệp cơ khí trên địa bàn huyện Cẩm Giàng.

Đời sống của công nhân vốn đã nhiều khó khăn nhưng không phải ai trong số họ cũng biết chắt chiu công sức lao động. Một bộ phận thanh niên công nhân vẫn ham vui, đắm chìm trong các tệ nạn mà quên đi ý thức, trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Không ít người trong số họ phải trả những cái giá không hề rẻ.

QUỲNH VY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Góc khuất xóm trọ công nhân