Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh được xác định là 1 trong 3 khâu đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 2 vừa qua, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng một lần nữa thẳng thắn chỉ ra những hạn chế và yêu cầu thực hiện các giải pháp để cải thiện đáng kể chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Năm 2019, PCI của tỉnh xếp thứ 47 trong cả nước, thứ 10 trong 11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng, trong đó nhiều chỉ số thành phần đứng thứ hạng thấp là tính năng động của chính quyền tỉnh, tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin, chi phí không chính thức... Những chỉ số trên cho thấy hạn chế lớn trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nằm ở công tác điều hành của chính quyền và thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Có lẽ đây là nguyên nhân để lý giải vì sao Hải Dương có rất nhiều tiềm năng, thuận lợi nhưng chưa có sự phát triển bứt phá, xứng tầm.
Muốn khắc phục hạn chế trên, tỉnh ta cần sớm triển khai các giải pháp cụ thể để thực hiện tốt “5 rõ” là: “rõ việc, rõ người, rõ tiến độ, rõ hiệu quả, rõ trách nhiệm”. Thực tế, dù chỉ số PCI của tỉnh nhiều năm sụt giảm liên tiếp, đứng thứ hạng thấp song việc xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan chưa được quan tâm. Chính vì vậy, tỉnh cần đặc biệt quan tâm đến công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức ở những sở, ngành, đơn vị, địa phương có trách nhiệm giải quyết các công việc liên quan trực tiếp với người dân, doanh nghiệp. Cần công khai, minh bạch, đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong giao dịch thủ tục hành chính, giám sát các bước trong quy trình giải quyết công việc để đánh giá đúng mức độ hoàn thành nhiệm vụ, nhất là xác định rõ trách nhiệm từng cá nhân với từng công việc cụ thể. Thông qua các kênh tiếp nhận phản ánh của người dân, doanh nghiệp để kịp thời, quyết liệt luân chuyển, sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức ở những vị trí "nhạy cảm", dễ phát sinh tiêu cực; đưa ra khỏi vị trí, bộ máy những trường hợp yếu kém, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Người đứng đầu các sở, ngành, địa phương cũng phải chịu trách nhiệm đối với những hạn chế, yếu kém trong các lĩnh vực quản lý.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tỉnh cũng cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, chuyên viên ở những bộ phận, vị trí thường xuyên tiếp xúc, làm việc với doanh nghiệp có đủ trình độ, năng lực, phẩm chất, chuyên nghiệp để đáp ứng yêu cầu công việc. Cùng với tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hiện nay, tỉnh cần có cơ chế thu hút những người có năng lực và đạo đức tốt làm việc trong bộ máy hành chính; kiên quyết xử lý trách nhiệm, luân chuyển, tinh giản những trường hợp không đáp ứng yêu cầu, không hoàn thành nhiệm vụ.
Đặc biệt, tỉnh nên sớm triển khai bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương (DDCI). Đây là chìa khóa giúp nhiều tỉnh, thành phố như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh... nâng cao PCI. Với các chỉ số tương thích chỉ số thành phần của PCI, DDCI sẽ tạo kênh thông tin tin cậy, minh bạch để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành. Qua đó giúp lãnh đạo tỉnh có cái nhìn tổng thể, đầy đủ hơn cũng như "chỉ mặt, đặt tên" được các điểm nghẽn, lực cản trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để có sự lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý kịp thời. Thứ hạng DDCI hằng năm cũng sẽ tạo động lực, áp lực để các sở, ngành, đơn vị, địa phương cải cách, thay đổi tác phong, lề lối làm việc, giảm sức ỳ để phục vụ người dân, doanh nghiệp.
HOÀNG LONG