Phấn đấu giảm 1% tỷ lệ hộ nghèo là mục tiêu tỉnh ta đặt ra trong năm2019.
Căn cứ vào mục tiêu giảm nghèo bình quân chung của cả nước (1-1,5%/năm) thì chỉ tiêu trên của tỉnh ta là hợp lý. Tuy nhiên, trong bối cảnh của Hải Dương hiện nay, để đạt được mục tiêu này mà vẫn bảo đảm tính thiết thực của công tác giảm nghèo đối với đời sống người dân nói riêng, an sinh xã hội nói chung là việc không dễ.
Năm 2018, theo báo cáo tổng hợp nhanh kết quả rà soát sơ bộ số hộ nghèo, cận nghèo của các huyện, thị xã, thành phố cho thấy toàn tỉnh còn 15.766 hộ nghèo (chiếm khoảng 2,6%). Tỷ lệ hộ nghèo năm 2018 giảm 1,1% so với năm 2017. Nhìn lại từ năm 2016, năm đầu tiên thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, đến nay, tỷ lệ giảm nghèo ở tỉnh ta càng ngày càng thấp. Cụ thể, năm 2016 giảm 2,11%, năm 2017 giảm 1,48%, năm 2018 giảm 1,1%.
Có nhiều nguyên nhân khiến việc giảm nghèo khó khăn hơn, song chủ yếu là do càng về sau số hộ nghèo có khả năng thoát nghèo càng ít. Phần lớn các hộ nghèo hiện nay rơi vào nhóm đối tượng người khuyết tật, người già không còn khả năng lao động, người ốm đau, bệnh nặng phải điều trị thường xuyên, tốn kém... Do đó, để đạt mục tiêu giảm nghèo ở mức 1% trong năm 2019 vừa cần những giải pháp thiết thực vừa tránh không khiên cưỡng trong rà soát hộ nghèo.
Tỉnh ta đang kỳ vọng vào dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018-2020. Dự kiến trong năm 2019, tỉnh hỗ trợ 8 mô hình giảm nghèo. Mỗi mô hình có 40 hộ gồm: 15 hộ nghèo, 15 hộ cận nghèo và 10 hộ mới thoát nghèo. Mức hỗ trợ là 7 triệu đồng/hộ nghèo, 5 triệu đồng/hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Ngoài hỗ trợ vốn, dự án còn thực hiện trên cơ sở lồng ghép các chính sách hỗ trợ sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo... Qua đó, đặt ra mục tiêu trong năm sẽ giúp hơn 200 hộ tham gia mô hình được thoát nghèo, thoát cận nghèo bền vững, không tái nghèo. Đó là kỳ vọng. Còn trên thực tế hiện nay, với số vốn từ 5-7 triệu đồng, để giúp một hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo không dễ chút nào. Nếu không làm tốt, làm khéo, số tiền này chỉ giống như "con cá" chứ không thể là "cần câu" đối với người nghèo.
Vì vậy, bên cạnh việc triển khai các mô hình giảm nghèo kể trên, cần đẩy mạnh hơn nữa các chính sách hỗ trợ người nghèo về tín dụng ưu đãi, nhà ở, việc làm, y tế, giáo dục... Trong đó, đặc biệt quan tâm đến những hộ còn có sức lao động để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Chỉ khi người nghèo có khả năng tạo ra thu nhập với mức ổn định thì mới có thể giúp họ thoát nghèo bền vững.
Ngoài ra, trong bình xét hộ nghèo hằng năm cần công tâm, khách quan, bảo đảm đúng quy định của Nhà nước. Trong quá trình bình xét, nên cân nhắc đối với những hộ có người khuyết tật, ốm đau phải điều trị lâu dài, mất sức lao động. Bởi với những đối tượng này, khi đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo là dồn họ vào vô số những khó khăn, đối mặt với những gánh nặng về y tế, nỗi lo cơm áo hằng ngày. Căn cứ vào thực tế hiện nay, trong bình xét cần lưu ý nhóm đối tượng mà bố mẹ và con cái tuy ở gần, thậm chí là ở cùng nhà nhưng tách khẩu riêng để bố mẹ hưởng diện hộ nghèo trong khi con cái dư dả về kinh tế. Đây là một thực trạng đáng buồn, không chỉ là chuyện đạo đức xuống cấp mà còn liên quan đến quản lý xã hội...
NGỌC THANH