Gồ giảm tốc - "chốt chặn" tai nạn giao thông

20/12/2018 18:28

Hải Dương sớm triển khai xây dựng gồ giảm tốc từ đường phụ ra đường chính ở một số địa phương, góp phần bảo đảm an toàn giao thông nông thôn.


Hệ thống gồ giảm tốc sẽ góp phần hạn chế tai nạn giao thông tại khu vực nông thôn

Cùng với Thái Bình, Hải Dương là một trong những tỉnh khu vực phía Bắc đi đầu xây dựng gồ giảm tốc từ đường phụ ra đường chính. Ngoài nhằm đồng bộ hạ tầng giao thông, gồ giảm tốc còn giúp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) khu vực nông thôn.

Hạn chế tốc độ khi nhập làn đường chính

Cả năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 33 vụ tai nạn giao thông (TNGT) tại đường giao thông nông thôn làm 33 người chết, 10 người bị thương. Trong 10 tháng đầu năm nay, có 24 vụ TNGT xảy ra trên các tuyến đường này làm 24 người chết, 8 người bị thương. Rất nhiều vụ xảy ra tại các giao cắt từ đường phụ ra đường chính. Theo phân tích của cơ quan chức năng, nhiều phương tiện từ đường phụ đi ra đường chính với tốc độ cao nên xảy ra va chạm, TNGT. Tại nhiều giao cắt từ đường phụ ra đường chính, lái xe bị che khuất tầm nhìn, thiếu hệ thống chiếu sáng, biển báo, ý thức của một số người tham gia giao thông còn hạn chế cũng là nguyên nhân làm cho TNGT tại các giao cắt diễn ra phức tạp.

Đại diện Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết năm 2018 Ban ATGT tỉnh, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã xây dựng xong gồ giảm tốc tại 184 vị trí trên các đường nhánh giao cắt với các tuyến đường tỉnh 390E, 394C, 396, 396C, 398B và quốc lộ 37 qua địa bàn các huyện Gia Lộc, Nam Sách, thị xã Chí Linh, TP Hải Dương... Tại những địa điểm đã xây dựng gồ giảm tốc, các phương tiện đã không còn di chuyển với tốc độ cao, buộc phải giảm tốc trước khi nhập làn với đường chính. Do đó, trật tự, ATGT tại các vị trí trên đã được bảo đảm.

Theo Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông (Sở GTVT), những vị trí đã xây dựng gồ giảm tốc đều được khảo sát kỹ hiện trạng, sau đó mới thi công. Các vị trí đấu nối với quốc lộ 37 được đơn vị triển khai xây dựng nhiều gồ giảm tốc nhất. Tại thị xã Chí Linh, huyện Nam Sách, TP Hải Dương đã có 82 gồ giảm tốc đấu nối với quốc lộ 37 được xây dựng, trong đó thị xã Chí Linh có 46 điểm, 26 điểm tại Nam Sách và 10 điểm tại TP Hải Dương. Đường tỉnh 390E cũng có 20 gồ giảm tốc được xây dựng tại điểm đấu nối với đường phụ. Tại huyện Ninh Giang có 39 gồ giảm tốc xây dựng tại điểm đấu nối từ đường phụ ra đường tỉnh 396... Sau khi xây dựng xong, cơ quan chức năng đều tiến hành nghiệm thu chất lượng, kỹ thuật của gồ giảm tốc. Vì vậy, 184 gồ giảm tốc được xây dựng đúng yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật. Tất cả đều được sơn phản quang nên ban đêm dễ dàng phát hiện từ xa để bảo đảm an toàn.

Dự kiến tiếp tục xây dựng gồ giảm tốc

Ông Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Cẩm Giàng khẳng định việc xây dựng gồ giảm tốc tại các vị trí đấu nối với đường chính là rất cần thiết. Những năm qua, trật tự, ATGT trên địa bàn huyện Cẩm Giàng diễn biến khá phức tạp, trong đó có nhiều vụ xảy ra tại các giao cắt giữa đường phụ với đường chính. Ngoài tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, việc hoàn thiện hạ tầng đã và đang được huyện phối hợp chặt chẽ với Sở GTVT triển khai, nhất là việc xây dựng gồ giảm tốc. "Đến nay, 5 vị trí đấu nối với đường tỉnh 394C của huyện đã xây dựng xong gồ giảm tốc. Trong năm tới, huyện tiếp tục phối hợp rà soát để xây dựng gồ giảm tốc tại các giao cắt phức tạp", ông Cường cho biết.

Gồ giảm tốc được ưu tiên triển khai xây dựng tại những vị trí phức tạp về giao thông, đã từng xảy ra hoặc có nguy cơ cao xảy ra TNGT. Trong năm 2018, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Gia Lộc đã phối hợp khảo sát, xây dựng, nghiệm thu xong 5 gồ giảm tốc từ thị trấn Gia Lộc, các xã Gia Xuyên và Gia Khánh đi ra quốc lộ 37. "Quốc lộ 37 qua huyện Gia Lộc dài khoảng 20 km, có nhiều giao cắt nguy hiểm. Những địa điểm xây dựng gồ giảm tốc đều là các vị trí phức tạp về giao thông. Gồ giảm tốc sẽ buộc người lái xe phải giảm tốc độ, chú ý quan sát khi từ đường phụ ra đường chính và ngược lại. Về lâu dài, kể cả những vị trí không có gồ giảm tốc nhưng người lái xe sẽ hình thành thói quen, phản xạ tự giảm tốc độ khi đi vào đường khác", ông Vũ Quý Thắng, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Gia Lộc cho biết.

Trong năm 2019, dự kiến việc xây dựng gồ giảm tốc sẽ tiếp tục được triển khai tại các huyện chưa làm như Tứ Kỳ, Thanh Hà, Bình Giang, Kinh Môn. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Kinh Môn trên địa bàn huyện có rất nhiều vị trí cần xây dựng gồ giảm tốc. Chính quyền các địa phương và người dân Kinh Môn rất mong muốn kế hoạch sớm được tiếp tục triển khai để hoàn thiện hạ tầng giao thông và bảo đảm trật tự, ATGT.

Theo Quyết định 1578/QĐ-BGTVT ngày 30.5.2017 của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn tạm thời về vị trí, kích thước và cách bố trí gồ giảm tốc, gờ giảm tốc thì gồ giảm tốc là một cấu tạo dạng hình cong, nổi trên mặt đường, có tác dụng cưỡng bức các phương tiện giảm tốc độ trước khi đi qua vị trí nguy hiểm. 

TIẾN HUY


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gồ giảm tốc - "chốt chặn" tai nạn giao thông