Các tổ hòa giải ở thôn, khu dân cư của huyện Thanh Miện luôn bám sát địa bàn, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, kịp thời giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp.
Hòa giải viên là những người có uy tín, trách nhiệm cao
Đến nay, cả 104 thôn, khu dân cư của huyện Thanh Miện đều có tổ hòa giải với 776 hòa giải viên. Nhờ quan tâm xây dựng, kiện toàn, củng cố tổ chức hòa giải, nhiều vụ việc, mâu thuẫn ở cơ sở đã được giải quyết thấu tình, đạt lý, góp phần giữ vững an ninh trật tự.
Tổ hòa giải ở thôn La Ngoại, xã Ngũ Hùng vừa kiện toàn nhân sự vào tháng 4.2017, khi 2 chi bộ đảng của thôn sáp nhập thành 1 và thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Trong hơn 1 năm hoạt động, tổ đã nhận 4 đơn ly hôn và hòa giải thành công cả 4 vụ. Theo ông Vũ Văn Nghiệp, tổ trưởng tổ hòa giải thôn, để hòa giải đạt hiệu quả, hòa giải viên phải có mặt kịp thời khi mâu thuẫn xảy ra, nắm bắt thông tin từ nhiều phía, không nên vận dụng cứng nhắc quy định của pháp luật, phải bảo đảm xử lý mọi việc có lý, có tình.
Ông Nghiệp kể lại có lần hơn 10 giờ đêm ông nhận được tin báo có vụ bạo lực gia đình xảy ra ở xóm Trung. Ông cùng một thành viên trong tổ nhanh chóng tới nơi xảy ra vụ việc. Giữa lúc dầu sôi lửa bỏng, ai cũng cho ý mình là đúng, không ai chịu nhường ai. Ông và thành viên tổ hòa giải phải cứng rắn xử lý vụ việc. Sau khi yêu cầu hai vợ chồng nọ chấm dứt cãi vã. Tổ hòa giải lắng nghe ý kiến của các bên, sau đó phân tích đúng sai cho từng người một. Các thành viên cũng không quên lồng ghép phổ biến kiến thức pháp luật vào câu chuyện.
Lần khác là một vụ ly hôn, người vợ viết đơn ly hôn vì chồng nợ nần, làm ăn thua lỗ, không chí thú làm ăn. Hòa giải viên ngoài trực tiếp làm công tác tư tưởng cho 2 vợ chồng còn nhờ người thân, bạn bè của người chồng tác động cùng. Thấy chồng thay đổi, không rượu chè, la cà quán xá, người vợ cũng xin rút đơn ly hôn.
Xã Phạm Kha hiện có 4 tổ hòa giải ở 4 thôn: Đỗ Thượng, Đỗ Hạ, Hàn Lâm, Đạo Phái với 25 hòa giải viên. Từ đầu năm 2017 đến nay, tổ hòa giải đã tiếp nhận 20 vụ, chủ yếu do mâu thuẫn gia đình và tranh chấp đất đai, đã hòa giải thành công 80% số vụ. Việc lưu giữ biên bản các vụ việc và ghi chép sổ theo dõi các vụ việc được thực hiện khoa học, chi tiết. Bà Nguyễn Thị Thái, cán bộ tư pháp, hộ tịch xã Phạm Kha cho biết: "Việc ghi chép các vụ việc sẽ giúp hòa giải viên theo dõi được các vụ tái diễn, phát sinh và phân loại các vụ việc, từ đó có biện pháp hòa giải phù hợp. Trong nhiều trường hợp, sổ ghi chép là căn cứ thông tin để hòa giải viên xử lý các vụ tái diễn".
"Khi hòa giải, cùng với việc giải thích, thuyết phục các bên ứng xử phù hợp trên nguyên tắc tôn trọng pháp luật và đạo đức xã hội, các hoà giải viên còn tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho đối tượng được hòa giải, góp phần đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống", ông Trần Văn Quảng, hòa giải viên thôn Hàn Lâm, xã Phạm Kha nói. Bởi vậy, ông Quảng cũng như các thành viên tổ hòa giải của thôn thường xuyên tự học tập, nghiên cứu, trau dồi, nâng cao kiến thức pháp luật.
Theo Phòng tư pháp huyện Thanh Miện, hằng năm, huyện đều tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ cho hòa giải viên. Các lớp mở tập trung toàn huyện và riêng từng xã. Toàn huyện hiện có 132 tủ sách pháp luật, 17 thư viện cấp xã, 3 thư viện ở thôn với hơn 40.000 đầu sách bảo đảm cung cấp tài liệu cho việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật và công tác hòa giải cơ sở.
Những vụ việc hòa giải thành công góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương; tạo sự đoàn kết, đồng thuận trong cộng đồng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.
HÀ NGA